Thay đổi tư duy chọn nghề

08:43 - Thứ Sáu, 27/12/2019 Lượt xem: 10706 In bài viết

ĐBP - Trước đây, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp các phụ huynh thường hỏi các con đỗ trường đại học nào thì nay vấn đề được quan tâm nhiều hơn lại là chọn nghề nào, học ngành gì. Ðó là sự thay đổi về “chất” trong tư duy vốn được xem là nặng nề phải học đại học trước đó. Và đây là xu thế khách quan, phù hợp với yêu cầu cuộc sống, nhu cầu xã hội và các nhà tuyển dụng.

Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn, hướng dẫn người lao động đăng ký thông tin tuyển dụng. Ảnh: Gia Kiệt

Trong buổi giao lưu gặp mặt tân học sinh, sinh viên năm học 2019 - 2020 ở Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, điều chúng tôi ngạc nhiên khi trong hơn một trăm học sinh, sinh viên có mặt hôm ấy có khá nhiều em đã đỗ các trường đại học “có tiếng” nhưng lại chọn học nghề. Chia sẻ về cơ duyên đến với trường nghề thì rất nhiều, song tựu trung chính là sự thay đổi tư duy, nhận thức của chính bản thân các em nói riêng và xã hội nói chung về nghề nghiệp, nhất là cơ hội và việc làm sau học nghề. Em Giàng A Củ, sinh viên lớp Ðiện công nghiệp cho biết: Nhận được giấy báo đỗ Ðại học Ðiện lực nhưng em vẫn chọn học nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên. Chọn nghề nghiệp liên quan tới tương lai, cơ hội nghề nghiệp của chính mình thế nên em quyết định học nghề thay vì học đại học. Em nghĩ không phải mọi thành công đều bắt đầu bằng con đường duy nhất là học đại học, cánh cửa tương lai mở ra với rất nhiều ngành, nghề nếu biết phấn đấu và quyết tâm. Thời gian học đại học lâu hơn lại xa nhà, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình học tập... với Củ đây vừa là gánh nặng cho gia đình trong khi bản thân Củ cần có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy, sau khi tìm hiểu nhu cầu các ngành nghề để lựa chọn, Củ đã quyết định học nghề điện công nghiệp. Củ tin rằng để kiếm một việc phù hợp với bản thân sẽ không quá khó khăn nếu thực sự có tay nghề vững vàng.

Còn với em Ly A Vừ, bản Dư O B (xã Noong U, huyện Ðiện Biên Ðông) đăng ký học hệ cao đẳng nghề Công nghệ thông tin với mong muốn sớm có việc làm sau khi ra trường để có thể phụ giúp bố mẹ. Vừ chia sẻ: Ðược biết nhiều cơ hội tìm việc làm sau khi học nghề công nghệ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại địa phương đã có nhiều đợt doanh nghiệp cần tuyển lao động đào tạo nghề này nên em quyết định học nghề để sớm tìm được việc làm dù đã có giấy báo nhập học của Trường Ðại học Khoa học Xã hội Thái Nguyên (khoa Luật). Dù mới nhập học tại Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên song qua buổi gặp mặt giao lưu với tân học sinh, sinh viên do nhà trường tổ chức em lại biết thêm nhiều thông tin hơn nữa về cơ hội tìm việc làm sau đào tạo. Vì vậy, em thêm vững tâm về lựa chọn của mình.

Ở xã Noong U có không ít người đã và đang học đại học, song rất nhiều trong số ấy chật vật kiếm việc làm nhưng không được, thậm chí có người sau khi học xong đại học còn quay lại học nghề khiến mình tin rằng học đại học không phải con đường duy nhất để thành công trong tương lai, nghề gì cũng đáng quý, cũng đáng trân trọng nếu mình lựa chọn đúng, biết nỗ lực, tận tâm với  nghề đã chọn.

Thực tế cho thấy, xu hướng chọn trường nghề thay vì học đại học cũng đã có sự chuyển biến tích cực trong các phụ huynh. Nếu như trước đây, có con em đỗ vào đại học là tự hào và hãnh diện thì nay nhiều phụ huynh đã có cái nhìn “thoáng” hơn về việc chọn trường, chọn nghề của con em mình. Ông Nguyễn Văn Xuân có con đang học lớp 10, Trường THPT Phan Ðình Giót (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: “Gia đình tôi định hướng cho cháu học hết THPT thì học nghề. Cốt sao nghề đó phù hợp với năng lực của cháu và phần nữa là bớt cho gia đình một gánh nặng về kinh tế. Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì không chỉ trong tỉnh mà nhìn ra cả nước, số sinh viên tốt nghiệp đại học ra chưa tìm được việc làm phù hợp rất lớn, không ít trường hợp sau 4 - 5 năm học đại học cộng thêm 2 năm học cao học xong vẫn chưa có việc làm ổn định theo đúng chuyên ngành. Trường hợp may mắn hơn tìm được việc làm nhưng mức lương chưa tương xứng trong khi cơ hội việc làm sau học nghề cao hơn. Trong xã hội hiện nay thì việc học nghề là phù hợp chứ không nặng nề kiểu tư duy vì không học giỏi mới phải học nghề”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Nhận thức của xã hội về học nghề đã được nâng lên là yếu tố quyết định đến sự chuyển biến tích cực trong học nghề. Ðiều này cũng dễ dàng được lý giải khi thực tế doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân sự trình độ đại học khá dễ dàng nhưng mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/tháng bởi trình độ chuyên môn không phù hợp. Trong khi đó, nhân sự tốt nghiệp trường nghề ở nhiều chuyên ngành (cơ khí, công nghệ ô tô, điện công nghiệp...) có thể đạt mức  lương từ 6 - 8 triệu đồng, thậm chí là chục triệu đồng/người/tháng. Từ đó đã tác động đến nhận thức của phụ huynh để có cái nhìn thực tế hơn về nghề nghiệp của con em mình. Cùng với đó, việc truyền thông rộng rãi, thường xuyên liên tục về việc các cơ quan Nhà nước thực hiện tinh giản biên chế dẫn đến hạn chế chỉ tiêu tuyển dụng các vị trí việc làm cho các sinh viên sau tốt nghiệp. Trong khi nền kinh tế mở, nhiều cơ hội việc làm đến với học sinh, sinh viên vững tay nghề tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động. Ðiều này cũng đã tác động đến xu hướng lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề, chọn trường, song sau cùng mục tiêu cao nhất đó là giải quyết việc làm sau khi ra trường để các em có thu nhập ổn định, tương xứng với năng lực, công sức của chính mình.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top