Nan giải bài toán phân luồng học sinh

09:57 - Thứ Sáu, 27/12/2019 Lượt xem: 10737 In bài viết

Trong hơn 15 năm qua, tính trung bình mỗi năm có trên 480.000 học sinh tốt nghiệp THCS mà không vào học các trường THPT. Khoảng trên dưới 100.000 em trong số đó vào học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và dưới 90.000 em vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). 

Sinh viên ngành Điện - Điện tử Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học thực hành.

Số còn lại, hoặc tham gia lao động phổ thông hoặc không làm gì. Đây là một sự lãng phí về nguồn lực do không đuợc đào tạo kỹ năng lao động và có thể đem lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. 

Thách thức lớn

Phân luồng học sinh, thu hút những thanh niên trẻ vốn có khả năng học tập hạn chế vào học nghề đã được Đảng và Nhà nước chú trọng, nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân về nhận thức xã hội, chất lượng GDNN chưa cao, cách làm trên bình diện vĩ mô cả nước cũng như địa phương còn nhiều lúng túng. Chúng ta có cơ chế cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề miễn phí, nhưng chưa đủ để tạo ra động lực thu hút người vào học nghề.

Chúng ta cũng đã dùng cơ chế luật pháp để “lên đời” địa vị của người tốt nghiệp trường nghề, bằng cách thiết kế quy định trung cấp 1, 2, 3 năm và gần đây là thí điểm mô hình 9+5, ngay cả đổi tên bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề là kỹ sư thực hành. Thế nhưng, việc thu hút người vào học nghề vẫn đang là thách thức lớn trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDNN. 

Nhiều nước trên thế giới (châu Âu chẳng hạn), tỷ lệ phân luồng dao động từ 30% - 70% học sinh vào học các chương trình nghề (không phải chỉ vào trường nghề theo cách hiểu của nhiều người), mà học ở trường trung học có dạy các chương trình nghề.

Những chương trình nghề tiêu chuẩn được tham gia thiết kế bởi các chuyên gia từ doanh nghiệp, cộng với sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp nên xong chương trình này, các em có thể tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp trường trung học.

Trong khi đó, ở nước ta, các cơ sở GDNN biệt lập với trường THPT, việc giáo dục hướng nghiệp theo truyền thống nhiều năm qua đã không mang lại kết quả khả quan, do việc dạy nghề phổ thông không gắn với các tiêu chuẩn kỹ năng nghề của các ngành kinh tế. Người học sẽ thiếu động lực do mục tiêu không rõ ràng nên chất lượng và hiệu quả giáo dục hướng nghiệp không cao. 

Vẫn còn loay hoay 

Trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi người lao động trong tương lai phải có trình độ nền tảng giáo dục trung học để có khả năng học tập suốt đời và dễ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp hơn. Vì thế, những khuyến cáo chính sách phân luồng phải nhìn vào thực chất thị trường lao động tương lai, để mỗi địa phương có cách lựa chọn của mình cho phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Sinh viên ngành xây dựng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM thực tập tại công trường.

Như vậy, sẽ khó có công thức chung về tỷ lệ phân luồng cho tất cả các địa phương. Quan niệm phân luồng cũng cần thay đổi, việc phân luồng học sinh có thể diễn ra ở cả doanh nghiệp. Kinh nghiệm ở Mỹ cho hay, người ta tạo ra 5 luồng cho đào tạo nghề mà kinh phí dành cho doanh nghiệp làm việc này lớn gấp hàng chục lần kinh phí dành cho các trường đào tạo.

Ở nước ta, xem ra việc này còn rất lạ lẫm với nhiều người. Đào tạo tại doanh nghiệp ở Mỹ lên đến 444 tỷ USD, trong khi kinh phí đào tạo cao đẳng chỉ chưa đến 39 tỷ USD cho cả trường cao đẳng công lập và ngoài công lập. 

Thực tế cho thấy, chúng ta chưa có một chính sách hay chiến lược cụ thể để làm việc này và dường như đang loay hoay trong 2 hệ thống giáo dục và đào tạo nghề.

Ở địa phương, các trường THPT không có thầy dạy nghề và thiết bị, ở trường nghề có thầy và thiết bị nhưng lại không thể kết nối được với nhau. Việc vận dụng kinh nghiệm nước ngoài vào điều kiện của nước ta có những khó khăn nhất định.

Nhìn lại kinh nghiệm của Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan giai đoạn công nghiệp hóa đất nước, lực lượng lao động trình độ trung học có vai trò đặc biệt quan trọng ở những thập kỷ 1970, 1980.

Ngày nay, nhân lực có trình độ trung cấp (trung học kỹ thuật, trung học nghề hoặc THPT, cộng với chứng chỉ kỹ năng nghề sau trung học) chiếm tỷ lệ trên dưới 50% trong cơ cấu nhân lực. 

Do đó, điều trước tiên chúng ta phải làm, đó là không thể giữ mãi tư duy trong “hộp đen” truyền thống mà nên nhìn rộng ra mang tính hệ thống, cách làm khác hơn, không mang tư duy cục bộ, công cụ giản đơn để giải quyết bài toán quá nhiều ẩn số về phân luồng học sinh sau THCS.

Những giải pháp cần thực hiện 

- Quy hoạch hệ thống cơ sở GDNN gắn với quy hoạch các trường THPT, đại học để đưa ra mô hình mới (thực ra trước đây đã có); hình thành các trường trung học kỹ thuật và trung học nghề; việc sáp nhập một số cơ sở GDNN phải tính ngay thành lập các trường cao đẳng cộng đồng tại địa phương để đào tạo nhân lực tại chỗ gắn với nhu cầu doanh nghiệp trong khu vực.

- Công tác hướng nghiệp phải đổi mới và hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng GDNN, hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo và cải thiện cơ hội việc làm cho học sinh học nghề, đặc biệt thúc đẩy tư nhân hóa đào tạo nghề.

- Những thành phố phát triển trước như Hà Nội hay TPHCM cần tính toán chiến lược để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tạo đầu vào tốt cho đào tạo nhân lực tương lai thích nghi nhanh với sự thay đổi của KHCN.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top