Sách giáo khoa mới hỗ trợ cách dạy học tích cực thế nào?

09:22 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 9644 In bài viết

“Dạy học tích cực là cho học sinh ngồi theo nhóm tự học” - đó là suy nghĩ sai lầm dẫn tới những phản ứng cực đoan đối với các phương pháp dạy học tích cực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từng thử nghiệm. Vậy khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, để khắc phục sai lầm này, việc triển khai tổ chức dạy học tích cực sẽ được thực hiện như thế nào?

Bộ sách giáo khoa (SGK) đi lên từ “trường học mới”

Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội là đơn vị được giao biên soạn tài liệu dạy học theo mô hình trường học mới ở bậc tiểu học (dự án VNEN) khi mô hình này mở rộng triển khai ở 52 tỉnh, thành. Hiện đơn vị này tiếp tục tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) có tên “Cùng học để phát triển năng lực”. Cũng vì “cùng một cội” như vậy nên nhiều người cho rằng, bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” vừa được Bộ GD-ĐT phê duyệt chính là “sách VNEN” (tài liệu dạy học theo mô hình trường học mới).

PGS.TS Phan Doãn Thoại, Phó Trưởng ban Biên soạn SGK “Cùng học để phát triển năng lực” cho biết, nếu xét về góc độ tiếp cận lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm thì hai bộ sách có cùng quan điểm. Nhưng bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” được viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tuân thủ quy trình biên soạn SGK theo quan điểm hiện đại, bài bản hơn, từ việc xác định triết lý xuyên suốt bộ sách, đến các nghiên cứu mang tính nền tảng để xây dựng các nguyên tắc nhất quán, nghiên cứu để định vị năng lực cần đạt trong từng môn học, lớp học. Chính vì thế, bộ sách không phải được biên soạn theo hướng từng SGK đơn lẻ của mỗi môn học, mà được thiết kế trên tổng thể tương quan giữa SGK các môn học, SGK của một môn học với các lớp, cấp học.

Tuy vậy, theo PGS.TS Phan Doãn Thoại, tinh thần và giá trị cốt lõi của “trường học mới” vẫn là “đặc sản” được kế thừa ở bộ sách này, trên cơ sở khắc phục những hạn chế mà thực tế triển khai mô hình trường học mới đã bộc lộ.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Archimedes (Hà Nội) Nguyễn Thị Mỵ cho biết, bà từng nghiên cứu về cách thức tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới. Khi tham gia và tổ chức việc dạy thử nghiệm bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, bà thấy bộ sách mới đã tiếp thu được những ưu điểm của mô hình trường học mới, đồng thời khắc phục được những hạn chế của việc thực hiện mô hình trường học mới trước đây.

Theo bà Nguyễn Thị Mỵ, một trong những lý do mô hình trường học mới chưa nhận được sự ủng hộ của một số địa phương là do cách triển khai cứng nhắc. Các lớp học đều chia nhóm, thậm chí, ở một số nơi, cán bộ quản lý, giáo viên còn hiểu nhầm rằng học sinh học tích cực là “chia nhóm”, để học sinh tự trao đổi, tự học tập mà không có sự hỗ trợ, hướng dẫn, giảng giải của giáo viên.  

Nhưng khi triển khai thử nghiệm bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực”, bà Nguyễn Thị Mỵ nhận thấy, SGK thể hiện nội dung qua các hoạt động học, sách giáo viên gợi ý tổ chức các hoạt động học đó một cách đa dạng: Thao tác cá nhân, hoạt động tương tác giữa cặp đôi, tương tác trong nhóm và hoạt động tập thể. Tùy từng bài học, môn học và điều kiện dạy học, giáo viên có thể linh hoạt tổ chức các hoạt động khác nhau.

Ở Trường Tiểu học số 2 Phố Lu (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), các cô giáo dạy thử nghiệm sách lớp 1 của bộ “Cùng học để phát triển năng lực” cho biết, nhìn vào SGK và sách giáo viên là có thể hình dung được việc của trò và việc của thầy. Nhưng sách cũng không bắt buộc giáo viên chỉ thực hiện một phương pháp, cách thức tổ chức mà đưa ra nguyên lý chung để giáo viên hiểu và linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Cô Hiền Anh, một giáo viên tham gia dạy thử nghiệm bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” ở Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) cũng xác nhận: “Với SGK mới thì lớp học có sĩ số đông cũng không sao, chỉ cần học sinh thấy hào hứng với các hoạt động đa dạng do giáo viên tổ chức thì vẫn đảm bảo yêu cầu”.

Như vậy, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” cũng được thiết kế với các hoạt động học và gắn với tình huống thực tế đời sống, nhưng là thiết kế mang tính mở, giúp giáo viên áp dụng linh hoạt, phù hợp với nhiều môi trường dạy học khác nhau.

Chú trọng hoạt động cá nhân

Trong các hoạt động học tập nhằm hướng đến việc học chủ động, tích cực, bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” chú trọng đến hoạt động cá nhân học sinh.

“Học sinh có chủ động quan sát, đọc hiểu, khám phá và biết bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, hiểu biết của mình thì việc “học tích cực” mới thực sự đi vào thực chất. Khi đó, việc tương tác cặp đôi, tương tác trong nhóm mới hiệu quả và không có chuyện những học sinh yếu bị bỏ rớt lại" - cô Thu Hà, một giáo viên dạy lớp 1 ở Trường Tiểu học số 2 Phố Lu từng triển khai dạy thực nghiệm bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” cho biết.

Theo cô Thu Hà, điểm đặc biệt của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” là thiết kế theo các hoạt động học, trong đó hướng dẫn cụ thể các hình thức hoạt động khác nhau, có thể linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học tích cực khác nhau. Ví dụ, cùng một hoạt động, các tác giả SGK viết cụ thể hoạt động cả lớp thì thế nào, hoạt động nhóm, cặp đôi ra sao. Đặc biệt, tất cả hoạt động học đều mô tả khá kỹ hoạt động cá nhân học sinh. Trong các môn học, trải nghiệm cá nhân của học sinh là hoạt động được các tác giả chú trọng và hướng dẫn giáo viên lưu ý khuyến khích theo các cách khác nhau.

PGS.TS Trần Thị Hiền Lương, Chủ biên môn tiếng Việt tiểu học cho biết, SGK và sách giáo viên hạn chế đưa ra các mẫu, các nội dung trả lời kiểu “duy nhất đúng”, mà luôn để học sinh hoạt động, trải nghiệm, quan sát từ tình huống thực tế và nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình. Trong quá trình đó, không chỉ ngôn ngữ của học sinh phát triển mà các năng lực khác của mỗi cá nhân học sinh cũng được hình thành. Các em được tôn trọng, khích lệ nên việc học trở nên nhẹ nhàng chứ không áp lực.

Thông điệp “Cùng học để phát triển năng lực”

Tư tưởng xuyên suốt của bộ sách là lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, học tích cực, học hợp tác, học để vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Bộ sách được biên soạn đáp ứng các yêu cầu chung đối với tất cả SGK mới, nhưng có những điểm nhấn riêng thể hiện qua thông điệp “Cùng học để phát triển năng lực”. Bộ SGK này chú trọng việc hình thành năng lực tự học cho học sinh qua việc cung cấp thông tin sự kiện, tình huống thực tế... để học sinh tiếp nhận thông tin, thực hiện các nhiệm vụ học tập (thông qua các hoạt động học tập). Từ quá trình đó, học sinh tự rút ra tri thức và thực hành tạo ra các sản phẩm học tập. Sau những bài tập hoặc thực hành giải quyết vấn đề, học sinh sẽ có khả năng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cuộc sống.

 (PGS.TS Phan Doãn Thoại

Phó Trưởng ban Biên soạn bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực)

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top