Ðưa nội dung Chỉ thị 05 vào giảng dạy

09:10 - Thứ Sáu, 03/01/2020 Lượt xem: 10565 In bài viết

ĐBP - Ðưa nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong trường phổ thông là hết sức cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị với các hoạt động chuyên môn của nhà trường. Ðặc biệt là các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của ngành như: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Mường Ðăng (huyện Mường Ảng). Ảnh: Quang Long

Ðể Chỉ thị 05 có sức lan tỏa và đi vào thực chất, Sở GD&ÐT đã chỉ đạo các trường phổ thông trung học; phòng GD&ÐT các huyện, thị, thành phố tích cực giảng dạy lồng ghép nội dung Chỉ thị 05 bằng nhiều hình thức phong phú trong các lớp bồi dưỡng chính trị hè, thường xuyên cập nhật các chương trình, giáo trình mới về giáo dục chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số trường trung học phổ thông, giáo viên đã tích hợp lồng ghép giảng dạy những câu chuyện gần gũi về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người trong môn học như: Ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân...

Cô Nguyễn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định, con người là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, nhất là giảng dạy tư tưởng, đạo đức cho học sinh theo tinh thần Chỉ thị 05. Do đó, nhà trường đã tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về nội dung này để nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, từ đó chuyển biến thành hành động cụ thể. Một trong những hình thức mà trường lựa chọn là tăng cường bồi dưỡng trong hè, chú trọng các hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương những giáo viên có thành tích tốt. Từ những tấm gương của thầy cô giáo, học sinh không ngừng phấn đấu, trau dồi kiến thức, nỗ lực hơn trong học tập. Chính vì vậy, hàng năm, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng không ngừng tăng lên. Ðây là một trong những chuyển biến rõ nét thể hiện trong nhận thức, hành động của mỗi học sinh.

Cùng với cấp THPT, việc đưa vào giảng dạy tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cũng được các cấp học triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Ðối với bậc tiểu học, các trường tổ chức giảng dạy tích hợp nội dung bộ tài liệu trong môn học đạo đức, giáo dục công dân, các môn học có liên quan và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa như: Chào cờ đầu tuần (đọc những câu chuyện, kể chuyện về Bác...); sinh hoạt lớp; hoạt động đoàn, đội; tổ chức các cuộc thi viết, thi kể chuyện về Bác Hồ...

Ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Mường Ảng cho biết: Lồng ghép Chỉ thị 05 vào giảng dạy là hết sức cần thiết ở tất cả các cấp học. Riêng một số trường mầm non trên địa bàn huyện, giáo viên đã tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục cho trẻ về tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ với những hình thức, nội dung rất linh hoạt như giáo dục phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ. Trong lĩnh vực giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội được tổ chức lồng ghép trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ về hình ảnh của Bác với các cháu thiếu nhi, các địa danh gắn liền với các hoạt động của Bác (Thủ đô Hà Nội, Lăng Bác, nhà sàn Bác Hồ...) cũng như qua các bài hát, bài thơ, câu chuyện về Bác đối với thiếu niên, nhi đồng.

Qua đánh giá của Sở GD&ÐT, đến nay 100% cơ sở giáo dục ở các ngành học, bậc học trong tỉnh đã đưa nội dung, tài liệu về Chỉ thị 05 vào giảng dạy lồng ghép với các môn đạo đức, giáo dục công dân. Ðồng thời, tổ chức giáo dục, tuyên truyền trong các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, hội, các môn học tự chọn, các buổi chào cờ đầu tuần…

Việc đưa nội dung, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh; thúc đẩy ý chí phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh.

Quang Long
Bình luận
Back To Top