Thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020: Nắm chắc điểm mới để học hiệu quả

15:24 - Thứ Hai, 06/01/2020 Lượt xem: 10111 In bài viết

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 đã khởi động khi các trường bắt đầu rục rịch công bố phương án tuyển sinh. Phương thức xét tuyển cơ bản là sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định không công bố đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như năm 2019. Học sinh cần nắm chắc những điểm mới trong kỳ thi và tuyển sinh để có hướng học tập hiệu quả.

Học sinh cần nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài cơ bản để thích ứng với những thay đổi trong kỳ thi và tuyển sinh năm 2020. Ảnh: Viết Thành

Đa dạng phương thức tuyển sinh

Khoảng 6 tháng nữa mới đến kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, song thời điểm này các trường đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh và chỉ tiêu cụ thể vào từng ngành đào tạo. Bên cạnh việc sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nhiều cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội còn bổ sung phương thức tuyển sinh khác. Đây không chỉ là lợi thế lớn đối với học sinh mà còn là cách thức để các trường có thêm nhiều nguồn tuyển, góp phần nâng chất lượng "đầu vào".

Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ tuyển sinh năm nay, 11 đơn vị thành viên của trường sẽ tuyển khoảng 10.000 chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy. Ngoài phương thức tuyển sinh căn cứ theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, trường còn sử dụng phương thức tuyển thẳng với học sinh đáp ứng các quy định đặc thù của trường và xét tuyển với học sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, A-Level...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội thông tin, nhà trường dự kiến dành khoảng 90% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng sử dụng song song hai phương thức, trong đó chỉ tiêu được cân đối giữa hai phương thức là 50%-50%. Năm nay, ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, Trường Đại học Thủy lợi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính... dự kiến tăng chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng với học sinh giỏi các trường chuyên trên cả nước và phương thức xét tuyển học bạ.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là xu hướng phù hợp và cần thiết. Đây cũng là cách thức các trường phát huy quyền tự chủ theo Luật Giáo dục đại học, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng phương thức tuyển sinh và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Đề cập đến những thông tin mới về phương thức tuyển sinh, em Hoàng Văn Khánh, học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) hào hứng: "Việc mở rộng cửa vào đại học, cao đẳng là một lợi thế lớn với chúng em. Chúng em vừa bớt đi áp lực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, lại có thêm cơ hội trúng tuyển".

Học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng

Việc ôn tập kỹ càng, nắm vững những quy định mới về tuyển sinh sẽ giúp các thí sinh đạt kết quả tốt trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Ảnh: Viết Thành

Ghi nhận thực tế tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho thấy, dù phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay đa dạng hơn, nhưng việc các trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi trung học phổ thông quốc gia vẫn là mối quan tâm của nhiều học sinh. Em Nguyễn Mai Linh, học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (huyện Quốc Oai) chia sẻ: "Mối quan tâm hiện nay của chúng em là học tập, ôn luyện như thế nào để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia khi không có đề thi tham khảo như mọi năm". 

Quyết định không ban hành đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối tháng 12-2019 thu hút sự chú ý của nhiều học sinh. Tuy nhiên, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã chủ động cách thức giúp học sinh tiếp cận với kỳ thi để đạt kết quả cao. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (quận Long Biên) Nguyễn Quý Xuân cho biết, năm nay, nhà trường có gần 400 học sinh lớp 12. Kế hoạch dạy học, ôn tập cho các em đã được xây dựng từ tháng 9-2019 theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành và sẽ cập nhật khi có thông tin mới. Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi tham khảo cũng không ảnh hưởng nhiều. Thực tế, đề thi tham khảo cũng là cụ thể hóa các yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng. Học sinh bám sát yêu cầu này là có thể đáp ứng được kỳ thi.

Theo cô giáo Phạm Thị Loan, giáo viên dạy môn ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), để giúp các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi, nhất là với môn ngữ văn - môn thi duy nhất áp dụng hình thức tự luận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, các giáo viên dạy ngữ văn của trường đã thảo luận, xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho hơn 300 học sinh lớp 12. Ngoài việc hỗ trợ học sinh nắm vững kiến thức, các giáo viên còn lưu tâm đến việc rèn cho học sinh kỹ năng làm bài cơ bản. Chẳng hạn, với phân môn tiếng Việt, thì tập trung rèn kỹ năng đọc hiểu; ở phân môn tập làm văn, thì giúp các em cách thức xây dựng bài văn hoàn chỉnh gắn với việc liên hệ thực tế...

Trước ý kiến băn khoăn về việc năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổ chức thi trên máy tính không, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh khẳng định, Bộ đang cân nhắc về lộ trình để thí điểm từ năm 2021 ở một số nơi có điều kiện. Còn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 vẫn giữ ổn định về phương thức như năm 2019, nội dung thi nằm trong chương trình hiện hành, kết quả thi được dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ để các cơ sở đào tạo tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các thầy giáo, cô giáo, học sinh có thể sử dụng đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham khảo trong quá trình dạy học, ôn tập.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top