Khó khăn trong tiếp cận sách giáo khoa mới

09:54 - Thứ Tư, 08/01/2020 Lượt xem: 12319 In bài viết

Ngày 22-11-2019, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) công bố 32 sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của tám môn học và hoạt động giáo dục để sử dụng dạy học từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, sau gần hai tháng, các trường học và giáo viên, phụ huynh, học sinh vẫn chưa được tiếp cận SGK mới để nghiên cứu, lựa chọn đưa vào dạy học.

Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh chuẩn bị cho chương trình giáo dục mới, Bộ GD và ÐT đã có văn bản đề nghị các nhà xuất bản (NXB) có SGK lớp 1 có hình thức phù hợp cung cấp SGK đến các địa phương kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin về SGK nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả và đầy đủ cho từng môn học. Ðồng thời, các NXB khẩn trương thực hiện những thủ tục để kịp thời công bố giá tiền của mỗi cuốn SGK lớp 1 đã được Bộ GD và ÐT phê duyệt. Việc công bố giá SGK lớp 1 phải hoàn thành trước ngày 15-2-2020. Ngoài ra, Bộ GD và ÐT yêu cầu các sở GD và ÐT chỉ đạo góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó tập trung vào quy trình tổ chức cho giáo viên lựa chọn sách phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ.

Thông thường thì cứ khoảng tháng 4 hằng năm, NXB Giáo dục Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch để in SGK kịp phát hành cho năm học mới. Như vậy, từ nay đến khi chuẩn bị SGK cho năm học 2020-2021 không nhiều. Trong khi đó, SGK tiếng Anh đến đầu tháng 1-2020, vẫn chưa được Bộ GD và ÐT công bố; thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông cũng chưa được ban hành chính thức. Bên cạnh đó, các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh đều chưa tiếp cận được SGK để nghiên cứu, lựa chọn, trong khi hết tháng 3, các trường tiểu học trên cả nước đã phải hoàn tất việc lựa chọn SGK lớp 1. Chưa kể do đây là năm đầu tiên các trường thực hiện sẽ không tránh khỏi những lúng túng bởi chỉ đọc SGK thôi chưa đủ mà giáo viên cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, so sánh, tham khảo và dạy thử để tìm ra những ưu điểm, hạn chế của từng bộ sách. Có như vậy mới có thể lựa chọn những bộ sách phù hợp điều kiện, năng lực tiếp thu kiến thức của học sinh và hoạt động giảng dạy của giáo viên. Ngoài ra, mỗi trường tiểu học lựa chọn SGK khác nhau sẽ khiến học sinh gặp khó khăn nếu vì lý do nào đó học sinh phải chuyển trường. Hay một gia đình có hai con học ở hai trường khác nhau đồng nghĩa với việc có thể học hai SGK khác nhau, dẫn đến phụ huynh rất khó theo dõi, nắm bắt quá trình học tập của con. Vì vậy, việc chậm trễ trong ban hành, phát hành SGK mới đang gây ra nhiều khó khăn cho các trường và giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Để chương trình, SGK mới được áp dụng vào dạy học hiệu quả cho lớp 1 từ năm học 2020-2021 cần phân định rõ trách nhiệm của các bên. Trong đó, Bộ GD và ÐT cần công khai, minh bạch và sớm hoàn thiện việc thẩm định, công bố đầy đủ SGK, cả các môn bắt buộc và các môn tự chọn. Tránh tình trạng chưa công bố SGK tiếng Anh như hiện nay, khiến cho việc tìm hiểu, nghiên cứu để lựa chọn sách của các trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh không được đầy đủ. Mặt khác, Bộ GD và ÐT cần sớm hoàn thiện thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các cơ sở giáo dục, giáo viên và phụ huynh có cơ sở lựa chọn. Ðối với các NXB cần có giải pháp vừa bảo đảm được bản quyền nhưng cũng có thể công bố SGK lên mạng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu lựa chọn sách phù hợp. Tránh tình trạng khi năm học mới cận kề, các trường, giáo viên và phụ huynh, học sinh vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các bộ sách nhưng phải lựa chọn theo kiểu "chuyện đã rồi" sẽ gây khó khăn trong dạy học, không bảo đảm chất lượng và không đúng với tinh thần đổi mới chương trình, SGK mà Nghị quyết 88/2014/QH13 đã ban hành…

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top