Tuyên truyền thay đổi nhận thức về học nghề

08:47 - Thứ Sáu, 21/02/2020 Lượt xem: 9772 In bài viết

ĐBP - Thực tế cho thấy, hiện nay, học nghề là một trong những biện pháp tối ưu để kiếm được việc làm nếu nghề đó phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình và nhất là nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để thay đổi tư duy về việc học nghề của đại bộ phận người dân…

Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên thực hành trên mô hình.

Hiện nay, không ít phụ huynh luôn mong mỏi con em phải vào đại học bằng mọi giá, chứ chưa thực sự quan tâm đến việc cho con đi học nghề. Chính quan niệm đó làm cho xã hội, nhất là học sinh phổ thông, thanh niên chưa hiểu đúng và lựa chọn học nghề để phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân. Thêm nữa, nhiều trường đại học ngoài công lập xét tuyển tương đối dễ dàng nên cơ hội được vào đại học của học sinh tốt nghiệp THPT cũng cao hơn. Thực tế khá buồn là nhiều bạn sau khi thỏa mãn giấc mơ đại học, ra trường không tìm được công việc phù hợp với đam mê, sở thích và năng lực, thậm chí lại phải chuyển hướng tự kinh doanh, học nghề khác để kiếm sống… Không chỉ vậy, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo không cao, chủ yếu là sử dụng lao động phổ thông cũng không khuyến khích các em theo học nghề. Học nghề có thể coi là lựa chọn cuối cùng khi các em không thể vào được đại học. Ðây chính là khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyển sinh. Vậy nên, bài toán đặt ra là làm thế nào để thay đổi nhận thức về học nghề trong đại bộ phận người dân hiện nay.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên là 1 trong 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðứng trước những khó khăn chung của công tác dạy nghề, trường tập trung vào công tác tuyển sinh với nhiều cách thức tuyên truyền, vận động hiệu quả, khiến cho nhiều học sinh THCS, THPT bước đầu thay đổi tư duy và lựa chọn đăng ký nhập học. Ông Lưu Quang Vũ, Phụ trách Phòng Ðào tạo - Hướng nghiệp, tư vấn việc làm (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên), cho biết: Trường đã mở đầu mối tuyển sinh đến tận các địa phương với 107 đầu mối tại các xã, 112 đầu mối tại các trường THCS, THPT trên toàn tỉnh. Các tổ tư vấn tuyển sinh của trường tới tận các trường THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh để tiếp cận học sinh, tuyên truyền, giới thiệu trực tiếp về đơn vị, công tác giảng dạy, các chế độ ưu đãi, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp… Ðồng thời, trao đổi, chia sẻ với các em về định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trường còn sử dụng mạng xã hội Facebook như một kênh tương tác hiệu quả vừa quảng bá vừa tiếp cận với đối tượng tuyển sinh. Trên fanpage của trường luôn có đội ngũ quản lý trực thường xuyên để giải đáp các câu hỏi của học sinh. Tất cả những việc làm đó đều hướng mục đích để các em thấy được những lợi ích của việc học nghề hơn là cố gắng theo đuổi giấc mơ đại học… Nhờ vậy, mùa tuyển sinh năm nay có phần “dễ thở” hơn những năm trước. Năm học 2019 - 2020, Trường tuyển sinh được 178 học sinh hệ trung cấp với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, điều quan trọng là các em đã lựa chọn theo học những ngành nghề có cơ hội việc làm cao ngay tại địa phương, như: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, chăn nuôi - thú y, hướng dẫn du lịch… Trong thời gian tới, Trường đang nghiên cứu việc tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo theo đơn đặt hàng. Nghĩa là sau đào tạo, học sinh sẽ có việc làm với mức thu nhập ổn định từ phía đơn vị đặt hàng. Tin rằng, khi có đầu ra chắc chắn thì nhận thức, tư duy về việc học nghề của các em cũng như các bậc phụ huynh trên địa bàn sẽ có sự thay đổi tích cực.

Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, phương pháp học tập và cách tiếp cận tìm việc làm… của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện cũng có nhiều tác động đến nhận thức của học viên về việc học nghề. Mặc dù tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề ở mức khá nhưng chủ yếu vẫn thông qua hình thức duy trì việc làm có từ trước khi đi học nghề. Do vậy, thu nhập của nhiều người sau đào tạo chưa cao, chưa ổn định dẫn đến tâm lý không “mặn mà” với việc học nghề. Ông Vũ Ðức Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo cho biết: Ðể thay đổi tư duy của người dân về học nghề thì công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước. Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải am hiểu về chính sách, nắm bắt được thông tin về đào tạo, tuyển dụng của các công ty xí nghiệp để thông tin đầy đủ, kịp thời cho lao động nông thôn. Chỉ khi người lao động hiểu rõ, nhận thức đúng đắn về học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề. Cùng với đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cần nắm chắc nhu cầu lao động cần đào tạo, nhu cầu lực lượng lao động của các công ty, doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể, phù hợp với nhu cầu của người học nghề và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top