Bảo đảm chất lượng thi, tuyển sinh khi thay đổi khung thời gian năm học

10:10 - Thứ Ba, 10/03/2020 Lượt xem: 8658 In bài viết

Do học sinh nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, kéo theo thay đổi về lịch thi THPT quốc gia. Vì vậy, việc bảo đảm tốt các điều kiện để học sinh ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi và tổ chức tuyển sinh hiệu quả được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nghe giám thị phổ biến quy chế thi. Ảnh: Mỹ Hà

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, ngành giáo dục bám sát tình hình dịch Covid-19, chỉ đạo và hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do học sinh nghỉ học dài ngày, Bộ GD và ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên kết thúc năm học trước ngày 30-6 và thi THPT quốc gia từ ngày 23 đến 26-7. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, các mốc thời gian năm học nêu trên lùi lại khoảng một tháng. Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT), việc điều chỉnh mốc thời gian kỳ thi THPT quốc gia đủ để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho học sinh cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi. Học sinh vẫn có thời gian hơn ba tuần kể từ khi kết thúc năm học để ôn tập giống như các năm trước. Công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD và ĐT chủ động cùng các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo tiến hành như các năm trước.

Phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc: Không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, nghiêm túc, khách quan, bảo đảm kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh. Vì vậy, các địa phương cần linh hoạt để tổ chức dạy học, ôn tập có chất lượng, không cắt xén chương trình ngay cả trong thời gian cho học sinh nghỉ học và nhất là khi học sinh quay trở lại trường. Các thầy, cô cần phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và đề thi tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh. Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Việc nghỉ học do dịch Covid-19 đã gây xáo trộn nhất định trong việc học tập cho nên học sinh cũng cần tranh thủ tự học, ôn tập, bổ sung kiến thức cho mình. Mặt khác, các nhà trường, các gia đình, cần có kế hoạch hỗ trợ học sinh với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả để các em không bỏ phí thời gian nghỉ học mà tận dụng để bổ sung kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Cũng theo PGS, TS Mai Văn Trinh, việc nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 nhưng các trường sẽ không bị động. Bộ GD và ĐT đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Các trường vẫn tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2020 tại các địa phương và làm tốt công tác tuyển sinh của trường mình. Bộ GD và ĐT có một số điều chỉnh cụ thể, sẽ được quy định trong quy chế thi và hướng dẫn chi tiết, cùng với việc tập huấn kỹ càng để bảo đảm mọi cán bộ tham gia kỳ thi đều phải nắm vững quy chế, quy trình, hiểu đúng, làm đúng nhiệm vụ được phân công. Trên tinh thần không lơ là, không chủ quan, Bộ GD và ĐT sẽ cùng các đơn vị, địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo tiếp tục chuẩn bị, rà soát, điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật để tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức thi của năm 2019 hướng tới tổ chức kỳ thi năm 2020 tốt hơn, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, không để xảy ra gian lận, tiêu cực. Tuy nhiên, các điều chỉnh này chỉ liên quan cán bộ, giáo viên làm thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Vì vậy các thí sinh yên tâm, tập trung học và ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tới. Với khung thời gian nêu trên, nếu tình hình dịch bệnh không có diễn biến nào bất thường, phức tạp hơn trong thời gian tới, thì công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2020 sẽ được triển khai đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ lịch trình đối với cả nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 cũng như các công tác chuẩn bị cho năm học mới 2020 - 2021.

Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, để triển khai, thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh năm 2020, các sở GD và ĐT cần theo dõi sát sao tình hình dịch Covid-19 và thực hiện hướng dẫn của Bộ GD và ĐT để sắp xếp kế hoạch học tập, giảng dạy, kết thúc năm học phù hợp. Mặt khác, các trường THPT cần quan tâm phối hợp các cơ sở đào tạo tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, công tác mở ngành của các cơ sở đào tạo cần bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; xác định mã tổ hợp xét tuyển đúng quy định và phù hợp nhu cầu người học. Đáng chú ý, các cơ sở đào tạo sớm công khai, minh bạch thông tin tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm giải trình đối với đề án tuyển sinh của trường. Bộ GD và ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ thống cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hỗ trợ cổng thông tin tuyển sinh và hệ thống nghiệp vụ đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, lọc ảo và tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top