Phương án cho năm học 2019-2020 sẽ căn cứ tình hình dịch

09:24 - Thứ Ba, 17/03/2020 Lượt xem: 9085 In bài viết

Theo văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần 2, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11-8. Thời gian kết thúc năm học trước 15-7. Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, chủ tịch UBND các tỉnh, thành chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Thành.

Trước diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19, học sinh - sinh viên (HS-SV) cả nước đã phải nghỉ học từ đầu tháng 2 đến nay. Bộ GD-ĐT đã 2 lần ra quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Vì vậy, công tác dạy học, thi cử đang là mối quan tâm lớn của phụ huynh, học sinh cả nước. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đến thời điểm này, nhiều địa phương đã quyết định cho học sinh nghỉ học hết tháng 3; TPHCM, Đồng Nai, Đắk Nông cho học sinh nghỉ đến hết 5-4. Thời gian nghỉ học dài như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020?

- Ông  NGUYỄN XUÂN THÀNH: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần 2.

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11-8. Thời gian kết thúc năm học trước 15-7. Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, chủ tịch UBND các tỉnh, thành chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh địa phương.

Bộ cũng yêu cầu trong thời gian nghỉ học ở trường, chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở GD-ĐT tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; triển khai các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình.

Như vậy, các mốc thời gian năm học đã phải điều chỉnh. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường sẽ phải tính toán để kế thừa nội dung kiến thức đã dạy học qua mạng, trên truyền hình để tiết kiệm thời gian, bảo đảm chất lượng, hoàn thành chương trình trong quỹ thời gian cho phép.

* Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập. Vậy Bộ GĐ-ĐT sẽ thực hiện giảm nhẹ chương trình ra sao, nhất là trong bối cảnh nghỉ học nhiều như hiện nay?

 - Từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã từng có yêu cầu các nhà trường rà soát tinh giản nội dung dạy học để phát triển năng lực và phẩm chất học sinh chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình phổ thông mới.

Cụ thể, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình phổ thông hiện hành; thực hiện một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn.

Hiện nay, việc tinh giản vẫn được thực hiện theo cách đó. Khi các em quay trở lại trường thì phần kiến thức đã được học qua internet và truyền hình sẽ được kế thừa, nhằm tối ưu thời gian, đảm bảo chương trình khi phải nghỉ học dài ngày.

* Việc dạy học qua  internet, truyền hình liệu có bảo đảm chất lượng không, thưa ông?

- Đối với việc dạy học qua internet, các địa phương và cơ sở giáo dục phải sử dụng hệ thống công cụ để thầy cô có công cụ xây dựng bài giảng, học sinh được cung cấp tài khoản truy cập vào bài học đó. Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh, các em sẽ phải trả bài. Qua hệ thống, giáo viên và học sinh đều có tài khoản. Giáo viên có thể theo dõi quá trình thực hiện, báo cáo trả bài... của học sinh. Gia đình phải phối hợp với nhà trường để theo sát việc học này. Những nơi có đường truyền tốt, thiết bị đảm bảo thì học qua internet.

Với những vùng không thực hiện được việc dạy học qua internet thì phải thực hiện dạy học qua kênh truyền hình. Do dạy học trên truyền hình, sự tương tác giữa thầy và trò không được như dạy qua internet nên đài truyền hình phải xây dựng được khung giờ và lịch phát sóng cụ thể đối với từng môn học, lớp học và thông báo rộng rãi cho giáo viên, học sinh biết được lịch này để họ sẵn sàng tham gia. Khi học trên truyền hình, học sinh phải ghi chép, làm bài tập, thực hành, sau đó gửi bài tập đầy đủ cho thầy cô qua email. Việc dạy qua truyền hình thì khả năng tương tác 2 chiều trong lúc dạy sẽ hạn chế, nên phải có sự theo sát học sinh của các nhà trường. Giáo viên và học sinh còn có thể kết nối qua nhiều hình thức khác nhau, ví dụ tương tác qua email, các mạng xã hội như Facebook, Zalo…

* Vậy việc học trực tuyến, học qua truyền hình có được kiểm tra, đánh giá hay không?

 - Với 2 hình thức này, giáo viên phải giao nhiệm vụ cho học sinh và các em sẽ phải làm báo cáo, thu hoạch, bài tập... Chúng ta tổ chức dạy học qua internet hoặc truyền hình để khi học sinh quay trở lại trường thì tổ chức ôn tập, kiểm tra và công nhận kết quả học tập qua hình thức này một cách bài bản. Nhà trường, giáo viên không tổ chức kiểm tra, đánh giá trên trực tuyến. Khi học sinh quay trở lại, trường phải tổ chức ôn tập và kiểm tra, đánh giá công nhận kết quả để đảm bảo học sinh nắm được kiến thức. Trong quá trình ôn tập đó, nếu thấy kiến thức học sinh hổng chỗ nào, giáo viên phải tổ chức ôn tập hoặc yêu cầu học sinh ôn tập.

* Bộ GD-ĐT đã 2 lần điều chỉnh khung thời gian năm học, nếu tới đây học sinh phải nghỉ tiếp thì sao?

 - Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần tiếp tục đảm bảo an toàn, tính mạng cho giáo viên và học sinh. Nếu năm học cần phải kéo dài thêm thì sẽ phải tính sao cho đảm bảo mốc thời gian, quỹ thời gian, chương trình học cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT phải tính toán cụ thể, dựa trên căn cứ tình hình thực tế để cân đối kế hoạch, đảm bảo nhà trường dạy hết chương trình năm 2019-2020, chuẩn bị cho năm học tới ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Trường hợp bất khả kháng sẽ phải có giải pháp phù hợp để học sinh hoàn thành chương trình, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, cũng như xét tuyển vào đại học. Kỳ thi lớp 10 được giao quyền cho địa phương. Vì vậy, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các khâu, theo dõi sát tình hình thực tế để sau khi kết thúc năm học có thể sớm tổ chức tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 kịp thời triển khai năm học mới.

Bộ GD-ĐT luôn theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh để có phương án sẵn sàng ứng phó với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Học sinh, giáo viên và phụ huynh hãy yên tâm, bởi bộ sẽ căn cứ mức độ tình hình dịch để có hướng dẫn kịp thời, phù hợp.

* Xin cảm ơn ông! 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top