Cấp văn bằng tốt nghiệp đại học: Không phân biệt hình thức đào tạo

15:18 - Thứ Hai, 23/03/2020 Lượt xem: 7200 In bài viết

Từ ngày 1-3-2020, quy định về bằng tốt nghiệp đại học (ĐH) sẽ được thực hiện theo Thông tư 27 của Bộ GD-ĐT (ban hành ngày 30-12-2019). Theo đó, bằng tốt nghiệp ĐH sẽ chỉ còn bằng cử nhân (trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ) và văn bằng trình độ tương đương. Đáng chú ý, trên văn bằng sẽ không phân biệt các loại hình đào tạo như trước đây (chính quy, vừa học vừa làm - tại chức, văn bằng 2).  

Chỉ còn cấp bằng cử nhân

Sinh viên Trần Uyển Nhi (học năm thứ 3 ngành Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) thắc mắc, theo quy định mới thì khi tốt nghiệp em sẽ nhận bằng cử nhân, giống như sinh viên học các ngành kỹ thuật. Như vậy, làm thế nào để phân biệt được giữa các ngành nghề đào tạo với nhà tuyển dụng. Đây cũng là băn khoăn của nhiều bạn khác trên các diễn đàn sinh viên những tuần qua. 

Theo PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cách hiểu như trên của sinh viên trên các diễn đàn là chưa chính xác. Theo cách hiểu này, sinh viên các ngành kỹ thuật chỉ nhận bằng cử nhân thay vì bằng kỹ sư như trước đây.

Tuy nhiên, theo Thông tư 27, nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục ĐH sẽ gồm 10 nội dung: tiêu đề, tên văn bằng, ngành đào tạo, tên cơ sở cấp bằng, họ tên người được cấp bằng, năm sinh, hạng tốt nghiệp…

Trong đó, đáng chú ý là tên văn bằng ghi theo từng trình độ đào tạo. So với bản dự thảo lần 1, thông tư được ban hành chính thức đã bổ sung thêm cụm từ “văn bằng trình độ tương đương”, thay vì quy định bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Điều này phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 (gọi tắt là Luật số 34), với quy định văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. 

Trao bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM.

Theo các chuyên gia giáo dục, cách hiểu của một số sinh viên cho rằng bằng tốt nghiệp ĐH sau ngày 1-3 chỉ còn bằng cử nhân là chưa chính xác. Cách hiểu này chỉ đúng với dự thảo lần 1 khi chưa bổ sung cụm từ “văn bằng trình độ tương đương” nội dung tên văn bằng. Như vậy, theo quy định mới hiện nay, bằng tốt nghiệp ĐH sẽ gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Trong đó, văn bằng trình độ tương đương sẽ gồm bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác. 

Lo ngại “vàng thau lẫn lộn”

Văn bằng tốt nghiệp ĐH được cấp theo quy định mới còn một số điểm đáng lưu ý như: bằng ĐH do các trường cấp vẫn có thể ghi loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hay trung bình; kết quả học tập gồm học phần (số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học), tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có)…

Cũng theo Thông tư 27, bằng ĐH sắp tới sẽ không phân biệt hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa học vừa làm, học từ xa, tự học có hướng dẫn. Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. 

Liệu quy định này có tạo ra sự không công bằng giữa loại hình đào tạo chính quy với các loại hình đào tạo khác trong bối cảnh xã hội sính bằng cấp như hiện nay? Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021, quy định này phù hợp với Luật số 34. Điều quan trọng lúc này là các trường phải triển khai ngay Khung trình độ quốc gia để phát triển chuẩn đầu ra của chương trình.

Trên cơ sở đó phải có giải pháp thực tế đảm bảo chất lượng trên các bình diện: Phát triển chương trình đào tạo, thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá, thanh tra chuyên môn, kiểm định... để đảm bảo dù đào tạo theo hình thức nào cũng phải đạt được chuẩn đầu ra. 

Trong khi đó, theo đại diện của nhiều trường ĐH, việc tiến tới thống nhất văn bằng ĐH thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng, bởi có một thực tế, nhiều người học tại chức chỉ đến ghi danh, “nộp tiền” để qua các kỳ thi.

Nếu bằng tại chức và chính quy là như nhau, nhiều người cảm thấy không công bằng với người học, bởi lâu nay chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn, trong khi hệ vừa học vừa làm thường bị cắt xén chương trình học, đánh giá lỏng lẻo hơn.

Hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM cho biết, nếu không làm tốt các quy định kiểm soát thì quy định không phân biệt bằng chính quy và tại chức đi vào thực tiễn sẽ khó thuyết phục. Hiện nay, hệ chính quy tuyển rất khắt khe, một số trường xét tuyển theo hồ sơ nhưng chỉ nhằm vào học sinh khá, giỏi. Trong khi đó, việc tuyển sinh hệ đào tạo tại chức dễ hơn.

“Nếu hệ tại chức tuyển sinh chặt chẽ và lấy điểm chuẩn đầu vào như đại học chính quy thì rất khó, thậm chí không thể tuyển được thí sinh. Ngay cả khi xét tuyển được, khả năng tốt nghiệp của sinh viên hệ này cũng rất thấp”, một vị hiệu trưởng ĐH quan ngại.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top