Đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật

09:00 - Thứ Tư, 01/04/2020 Lượt xem: 10976 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê, hiện có 3.085 trẻ em khuyết tật đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 766 trẻ chưa bao giờ đi học, 1.057 trẻ đã bỏ học và 1.262 trẻ hiện đang theo học tại các cơ sở giáo dục (chiếm hơn 40%).

Các đồ dùng, đồ chơi do thầy, cô giáo Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tự làm giúp trẻ khuyết tật dễ dàng tiếp thu các bài giảng.

Những năm qua, công tác chăm sóc trẻ khuyết tật luôn được toàn xã hội quan tâm, chung tay thực hiện. Đối với ngành Giáo dục tỉnh, công tác này còn quan trọng hơn vì đa số trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh đang tham gia học tập tại các trường học. Không dừng lại ở việc chăm sóc trẻ khuyết tật đơn thuần, để số trẻ khuyết tật có thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa và tiếp thu kiến thức học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HTPTGDHN) tỉnh. Từ khi đi vào hoạt động (tháng 10/2019) đến nay, Trung tâm đã xây dựng và đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Từ đó, tăng thêm số lượng trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục và tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết trên địa bàn tỉnh.

Chúng tôi đến thăm Trung tâm HTPTGDHN tỉnh, tại tổ 10, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Dịp này các em học sinh khuyết tật được nghỉ học về với gia đình để phòng tránh dịch Covid-19 nên Trung tâm trở nên vắng vẻ. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo của Trung tâm vẫn có mặt tại trường, tổ chức chế tạo những đồ dùng để giảng dạy cho trẻ khuyết tật.

Cô giáo Mai Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm HTPTGDHN chia sẻ: “Với chức năng tiếp nhận, giáo dục trẻ khuyết tật, tư vấn về phương pháp giảng dạy và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có trẻ khuyết tật theo học, chúng tôi đã thực hiện nhiều phương pháp sáng tạo, đổi mới trong giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật. Một trong những phương pháp đó là chế tạo đồ chơi, đồ dùng trực quan cho trẻ khuyết tật sử dụng. Ngoài những đồ dùng, thiết bị đã được Sở Giáo dục & Đào tạo và Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) trang bị, giáo viên chúng tôi đã nghiên cứu và sáng chế từ các nguyên vật liệu đơn giản, dễ kiếm, như: Gỗ, giấy, nhựa... thành đồ chơi, đồ vật sinh động, trực quan sử dụng trong giảng dạy bài tập và các hoạt động can thiệp cho trẻ khuyết tật”.

Những sản phẩm sáng tạo của thầy, cô giáo tại Trung tâm là các bộ tranh, ảnh hình thù con vật, hoa quả, thẻ chữ cái, đồ vật hay gặp trong cuộc sống với màu sắc bắt mắt, được mỗi thầy cô tự tay cắt, vẽ, tô màu với số lượng lớn; ngoài đem giảng dạy tại Trung tâm còn hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đang có trẻ khuyết tật theo học. Cô giáo Phan Thị Vân Trang, giáo viên tại Trung tâm cho biết: “Do các trẻ khuyết tật ở nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như khuyết tật vận động, khuyết tật bộ phận (khiếm thị, câm, điếc, rối loạn phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ...) nên việc trao đổi, nói chuyện và giáo dục cho trẻ không hề đơn giản. Trước đây, khi chưa có các đồ chơi, đồ dùng trực quan, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc giảng dạy cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, sau khi có nhiều đồ chơi, đồ dùng để đưa cho trẻ nhìn, sờ, nắm tôi thấy trẻ đã dần chú ý, hứng thú lắng nghe bài giảng và từ đó tiếp thu được kiến thức một cách tự nhiên nhất”.

Cũng theo cô giáo Phan Thị Vân Trang, trước đây tại các cơ sở có trẻ khuyết tật theo học mới chỉ dừng lại ở việc đưa các em đến gặp gỡ, hòa đồng trong lớp học, chứ chưa có bài giảng dạy riêng cho các trẻ khuyết tật. Chính vì thế, các trẻ khuyết tật vẫn “lạc lõng” và không thể bắt nhịp được với các bạn trong lớp. Vì vậy, các thầy, cô giáo ở Trung tâm đã xây dựng giáo án đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục cho trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục, làm sao phải xác định được mức độ phát triển hiện tại cũng như điểm mạnh và nhu cầu của trẻ khuyết tật. Từ đó giúp giáo viên tại cơ sở giáo dục có mục tiêu, bài giảng và cách thức chăm sóc, giáo dục riêng cho từng trẻ khuyết tật.

Hiện nay, ngoài tư vấn giáo dục cho các cơ sở có trẻ khuyết tật theo học trên địa bàn tỉnh, Trung tâm HTPTGDHN còn đang chăm sóc, giáo dục 20 trẻ và can thiệp cá nhân thường xuyên cho 17 trẻ khuyết tật, độ tuổi từ 4 -15, ở dạng khuyết tật đặc biệt nặng (khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ, tự kỷ và tăng động). Những ngày này, khi trẻ khuyết tật về với gia đình, các thầy, cô giáo còn tổ chức đến nhà thăm, động viên các em và hỗ trợ gia đình cách chăm sóc, giáo dục các em tại nhà.

Chúng tôi cùng các thầy, cô giáo của Trung tâm tới thăm em Bùi Khắc Kiên, 4 tuổi, trú tại tổ 10, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, là trẻ khuyết tật ngôn ngữ và chậm phát triển trí tuệ. Vừa thấy các thầy, cô đến thăm, em Kiên đã vui mừng ôm chầm lấy thầy, cô giáo và ríu rít nói chuyện. Cô Dương Thị Thẫm, mẹ em Kiên phấn khởi cho biết: “Từ ngày đến Trung tâm HTPTGDHN theo học, con tôi đã dần bạo dạn hơn, khả năng giao tiếp cũng tốt hơn. Tôi mừng vui lắm, mong con tiếp tục được các thầy, cô giáo tại Trung tâm giáo dục, chăm sóc để con phát triển trí tuệ, thể chất và hòa nhập với mọi người”.

Trung tâm HTPTGDHN hiện nay là địa chỉ giáo dục, chăm sóc đầu tiên cho trẻ khuyết tật trên đia bàn tỉnh. Được sự đầu tư, hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm đang tiếp tục mở mang các lớp học và nhận thêm trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh tới chăm sóc, giáo dục. Với những đổi mới trong phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật của Trung tâm, tin tưởng rằng số trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh sẽ dần gỡ bỏ được rào cản mặc cảm, tự ti để phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn và hòa nhập với cuộc sống.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top