Củng cố kiến thức cho học sinh thời gian chống dịch Covid-19

10:01 - Thứ Sáu, 03/04/2020 Lượt xem: 9992 In bài viết

ĐBP - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng, chống dịch bệnh. Thời gian nghỉ học phòng, chống dịch kéo dài, cộng với kỳ nghỉ tết dễ dẫn đến học sinh xao nhãng việc học. Do đó, để học sinh được bổ sung kiến thức, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP. Ðiện Biên Phủ đã linh hoạt vận dụng nhiều phương pháp để duy trì ý thức tự học, củng cố kiến thức cho học sinh.

Học sinh sử dụng phầm mềm Online Math học tập tại nhà.

Ðã gần 2 tháng nay, khi học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, cô giáo Hoàng Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Bế Văn Ðàn lại tất bật liên lạc với các phụ huynh để trao đổi và gửi, nhận bài tập cho học sinh. Ngày nào cũng vậy, công việc gửi đề bài môn Toán và Tiếng Việt của học sinh bắt đầu từ sáng sớm. Thay vì trực tiếp giảng dạy trên lớp thì nay thời gian làm việc của cô chủ yếu trên máy tính và điện thoại thông qua ứng dụng Zalo. Cô Hiền cho biết: “Vào đầu năm học, lớp đã lập một group để phụ huynh và giáo viên có thể trao đổi thông tin về tình hình học tập của học sinh trong lớp. Do thời gian nghỉ phòng dịch kéo dài, trước đây tôi thường xuyên giao bài tập cho các con thông qua group này và yêu cầu học sinh làm ra vở ô li để phụ huynh dễ dàng kiểm tra. Tuy nhiên, việc giao bài tập cho các con như vậy rất mất thời gian. Nay, thực hiện chỉ đạo của trường về việc bổ sung kiến thức cho học sinh thông qua kho học liệu trực tuyến tương tác đa chiều Online Math tại địa chỉ http://olm.vn do Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội biên soạn, tôi đã thực hiện ngay việc giao bài cho học sinh thông qua phần mềm này. Tôi thấy việc giao bài qua phần mềm này bài tập sẽ đa dạng, phong phú hơn, học sinh sẽ linh hoạt hơn trong việc làm bài. Sau khi lập xong tài khoản của lớp và từng tài khoản cá nhân, tôi thông báo để phụ huynh truy cập và hướng dẫn con em mình làm bài. Trong mỗi bài tập, tôi yêu cầu thời gian hoàn thành, sau đó kiểm tra, nếu phụ huynh nào chưa cho con làm tôi sẽ đôn đốc để phụ huynh nhắc nhở các con làm bài”.

Có con đang theo học lớp 8C2, Trường THCS Mường Thanh, anh Hoàng Văn Thông (tổ dân phố 8, phường Mường Thanh) hàng ngày ngoài việc truy cập ứng dụng Zalo để trao đổi thông tin về công việc của mình còn tiếp nhận thông tin mà cô giáo chủ nhiệm lớp cung cấp rồi truyền đạt cho con trai mình. Anh Thông cho biết: “Lớp con tôi có lập một nhóm Zalo chung do cô giáo chủ nhiệm làm nhóm trưởng. Trước đây nhóm này chủ yếu trao đổi tình hình học tập của các cháu hàng ngày. Nhưng từ khi nghỉ để phòng, chống dịch thì nhóm này hoạt động nhiều hơn. Hàng tuần, cô giáo chủ nhiệm giao bài tập ở tất cả các bộ môn, giao hạn hoàn thành bài thông qua phần mềm Online Math. Hàng ngày con tôi phải kiểm tra bài tập cô giao trên ứng dụng trực tuyến và trách nhiệm của phụ huynh chúng tôi là đôn đốc con em mình hoàn thành bài tập. Những gì không hiểu thì học sinh sẽ chủ động liên hệ với giáo viên nhờ giải đáp. Tôi thấy việc học của con em mình được duy trì thường xuyên nên rất yên tâm”.

Tại Trường THCS Him Lam, trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19, tất cả các lớp đều duy trì tốt phong trào tự học, tự ôn luyện. Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người tổng hợp bài tập từ các thầy, cô bộ môn để chuyển tới cho học sinh thông qua Email hoặc phần mềm Online Math. Việc kiểm tra tiến độ làm bài, chất lượng bài làm của học sinh được giáo viên chủ nhiệm kiểm soát chặt chẽ theo kế hoạch tuần thông qua các ứng dụng trực tuyến. Em Nguyễn Thế Nam Sơn, học sinh lớp 9D3, cho biết: Do năm nay là năm cuối cấp nên hàng ngày em đều chủ động sắp xếp thời gian để cập nhật bài giảng của các thầy, cô giáo thông qua Zalo, Facebook và qua phầm mềm Online Math. Ngoài ra, hàng ngày, sau khi hoàn thành xong bài tập thầy cô giao, em còn bổ sung kiến thức thông qua kênh dạy học trên truyền hình. Em thấy việc học trực tuyến giúp em tăng khả năng tự ôn tập, trau dồi kiến thức tại nhà, đồng thời sau khi trở lại trường em vẫn tiếp thu bài giảng được một cách tốt nhất”.

Năm học 2019 - 2020, TP. Ðiện Biên Phủ có hơn 20.000 học sinh theo học ở cấp mầm non, tiểu học và THCS. Ðã gần 2 tháng nay, kể từ khi học sinh được nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 thì các trường trên địa bàn thành phố luôn duy trì việc thông tin 2 chiều giữa giáo viên với học sinh thông qua các ứng dụng như: Zalo, Facebook, Messenger... để trao đổi bài học. Theo bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ÐT thành phố thì mong muốn lớn nhất lúc này đó là việc rèn kỹ năng tự học, tự đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi kiến thức mới cho học sinh trên cơ sở tài liệu sẵn có. Bởi vậy trên cơ sở chỉ đạo của Bộ và Sở GD&ÐT, để tăng cường bổ sung kiến thức cho các em, Phòng đã phân công giáo viên chủ nhiệm của các trường học trên địa bàn làm đầu mối thông tin hướng dẫn phương pháp tổ chức ôn luyện cho học sinh. Ngoài việc trao đổi bài tập qua các ứng dụng thì Phòng còn yêu cầu giáo viên các trường hướng dẫn học sinh học qua truyền hình để bổ sung kiến thức.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top