Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

07:58 - Thứ Ba, 07/04/2020 Lượt xem: 9089 In bài viết

Để phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19 và bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã công bố các nội dung kiến thức được tinh giản trong giảng dạy học kỳ II giáo dục phổ thông. Các nội dung giảm tải phù hợp, tạo thuận lợi cho hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh.

Học sinh theo dõi bài giảng trực tuyến trên truyền hình. Ảnh: Minh Hà

Sau khi có hướng dẫn tinh giản từ Bộ GD và ÐT, nhiều trường học ở Hà Nội đã triển khai tới các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn để kịp thời thực hiện điều chỉnh nội dung trong các bài giảng trực tuyến cho học sinh. Thầy giáo Ðặng Danh Hướng, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, việc tinh giản nội dung kiến thức môn học cho học sinh rất cần thiết. Ðối với nội dung môn Lịch sử, khối lượng kiến thức sâu rộng, việc tinh giản kiến thức sẽ làm giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, tránh được tình trạng học lan man, dàn trải. Tuy nhiên, việc Bộ GD và ÐT cho tinh giản cả một số bài học, chủ trương cho giáo viên không dạy là không nên, sẽ khiến học sinh dễ dàng bỏ qua và không chú tâm. Vô hình trung học sinh không lô-gic được kiến thức lịch sử và nội dung của các bài học. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên dành thời lượng 5 phút để khái quát cho học sinh biết và hiểu những kiến thức cốt lõi của những bài không dạy, những bài tự học. Theo cô giáo Nguyễn Thị Diệp Anh, giáo viên môn toán Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội): Chương trình tinh giản của Bộ GD và ÐT đã giảm dung lượng đáng kể, nhất là các nội dung nâng cao, tính hàn lâm, chỉ giữ phần cốt lõi của môn học; bảo đảm yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, nội dung tinh giản chương trình môn toán lớp 12 có rất nhiều mục cho học sinh tự học có hướng dẫn, đòi hỏi học sinh cần chủ động, nâng cao ý thức tự học và tự nghiên cứu.

Ðánh giá về nội dung tinh giản ở môn Ngữ văn THPT, giáo viên Ngữ văn dạy lớp 12 Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội), cô giáo Triệu Thanh Hương cho biết: Trong điều kiện hiện nay, học sinh không có thời gian thực hành nên chương trình tinh giản rất hợp lý. Môn Ngữ văn có khối lượng kiến thức được giảm lớn về lý thuyết và trải rộng ở các chủ đề như Tiếng Việt và Tập làm văn; giúp học sinh giảm đáng kể lượng kiến thức cần học trong thời gian còn lại của năm học. Nội dung tinh giản phù hợp với xu hướng dạy học và ra đề thi THPT quốc gia của những năm gần đây. PGS, TS Ðỗ Ngọc Thống, Trưởng tiểu ban rà soát tinh giản nội dung chương trình môn Ngữ văn cho biết: Lý do chính của việc tinh giản chương trình là do quỹ thời gian học kỳ II eo hẹp, vì thế cần giảm nhẹ chương trình, bớt các nội dung không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu môn học. Thí dụ bài: Các thành phần chính của câu (lớp 6) nội dung này đã học nhiều ở cấp tiểu học, hay bài Thực hành về hàm ý (lớp 12) đã học khá kỹ ở lớp 9 cho nên sẽ được tinh giản hợp lý.

Theo Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Xuân Thành, hướng dẫn điều chỉnh của Bộ tinh giản "kịch khung" trong điều kiện có thể. Những nội dung kiến thức không dạy, không làm, không thực hiện được đề cập trong hướng dẫn tinh giản là những nội dung thực hành, thí nghiệm mà học sinh không có điều kiện đến trường thực hiện. Quá trình xây dựng hướng dẫn tinh giản, Bộ GD và ÐT đã tính toán về thời lượng nội dung kiến thức giảm tải làm sao bảo đảm thực hiện được trong khoảng thời gian còn lại của chương trình. Năm học tới, Bộ GD và ÐT sẽ có hướng dẫn để các trường khi xây dựng kế hoạch dạy của năm học mới có thể tiếp tục củng cố, bổ sung những phần kiến thức cần thiết nhưng buộc phải tinh giản của năm học này.

Bộ GD và ÐT lưu ý các cơ sở giáo dục ưu tiên thời gian ở mức cao nhất để tổ chức dạy các môn học bắt buộc theo chương trình và tổ chức dạy các môn tự chọn một cách phù hợp. Thời gian đầu của năm học 2020 - 2021 hoặc vào những thời điểm thích hợp, các trường cần tính toán thời gian ôn tập, bổ sung nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện chương trình của năm học mới. Trong điều kiện học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD và ÐT, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh dạy học từ xa qua in-tơ-nét, trên truyền hình nội dung chương trình của học kỳ II; các bài giảng phải căn cứ vào hướng dẫn tinh giản này để xây dựng.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top