Chuẩn hóa chương trình đào tạo quốc gia

15:27 - Thứ Năm, 09/04/2020 Lượt xem: 7280 In bài viết

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 436 ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học (GDĐH), giai đoạn 2020 - 2025. 

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong giờ học thực hành tại xưởng ô tô.

Kế hoạch nhằm mục đích xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực phù hợp đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của GDĐH.

Chuẩn hóa để hội nhập

Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt với cấu trúc gồm 8 bậc: bậc 1, sơ cấp 1; bậc 2, sơ cấp 2; bậc 3, sơ cấp 3; bậc 4, trung cấp; bậc 5, cao đẳng; bậc 6, đại học; bậc 7, thạc sĩ; bậc 8, tiến sĩ. Theo Bộ GD-ĐT, khung trình độ quốc gia với cách tiếp cận chuẩn đầu ra tương tự các khung trình độ của thế giới và Khung tham chiếu trình độ ASEAN là những điểm quan trọng để phát triển các chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng văn bằng chứng chỉ. Việc triển khai xây dựng khung trình độ quốc gia phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; sử dụng lao động; cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu chính sách và phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Sự phối hợp này phải được thể hiện thống nhất trong việc tổ chức thực hiện xác định 2 bộ tiêu chuẩn: tiêu chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn đào tạo cho từng trình độ. Theo Luật Việc làm, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là quy định về kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành và khả năng ứng dụng kiến thức, năng lực đó vào công việc mà người lao động cần phải có, để thực hiện công việc theo từng bậc trình độ kỹ năng của từng nghề. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề do các bộ ngành xây dựng và Bộ LĐTB-XH thẩm định, công bố. Còn tiêu chuẩn đào tạo là quy định chi tiết về chuẩn đầu ra cho từng khối ngành, từng ngành nghề đào tạo và là một bộ phận của khung trình độ quốc gia. 

Theo các chuyên gia giáo dục, khung trình độ quốc gia là bộ tiêu chuẩn quốc gia về chuẩn đầu ra cho từng trình độ và là công cụ rất cần thiết đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp, đơn vị tuyển dụng, gia đình và người học. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, khung trình độ quốc gia là công cụ quan trọng đảm bảo hệ thống văn bằng chuẩn hóa, đúng với giá trị, tạo lòng tin của người sử dụng và xã hội đối với bằng cấp. Đồng thời, nó là một trong các công cụ góp phần đảm bảo việc dự báo nhu cầu và quy hoạch nhân lực, cũng như quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, GDĐH. Ngoài ra, khung trình độ quốc gia là công cụ tăng cường trao đổi học tập, lao động giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận trình độ và thực hiện chính sách học tập suốt đời có chất lượng, hiệu quả nhờ cơ chế liên thông. 

Phải làm đồng bộ

TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng, kế hoạch tổng thể phản ánh khá đầy đủ nội hàm các nhiệm vụ cần thực hiện. Tuy nhiên, vì là kế hoạch tổng thể thực hiện khung trình độ quốc gia nên nếu kết hợp với Bộ LĐTB-XH làm thành một kế hoạch quốc gia thì thuận tiện cho việc xác định các chuẩn đầu ra, phân phối khối lượng học tập để liên thông dễ hơn và đàm phán với ASEAN cũng như quốc tế về các trình độ dễ đảm bảo tính thống nhất quốc gia hơn.

Tuy nhiên, về thời gian, yêu cầu các trường thực hiện xong chuẩn chương trình vào quý 4-2024, trong khi tiến bộ KHCN đòi hỏi năng lực người lao động thay đổi từng ngày. Mặt khác, doanh nghiệp và thị trường lao động rất năng động, không bao giờ ngồi chờ khi luôn có nhu cầu tiêu chuẩn cao. Thêm vào đó, khi ban hành xong chuẩn chương trình thì sợ rằng, tuổi thọ tiêu chuẩn chương trình sẽ thấp và lại phải cập nhật tiêu chuẩn mới.

Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, khung trình độ quốc gia được ban hành và triển khai thực tế ở các trường sẽ mang lại sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng tiếp cận thị trường nhân lực, chuẩn hóa các trình độ đào tạo, tạo điều kiện liên thông trong hệ thống, thúc đẩy di chuyển lao động, học tập giữa các vùng và trên thế giới. “Điều quan trọng, khung trình độ quốc gia không phải là văn bản hành chính thuần túy nên khi thực hiện, đòi hỏi một sự vào cuộc đồng bộ mang tính hệ thống từ cơ quan quản lý đến thị trường lao động. Ngay cả đến sinh viên, nhà trường cũng cần cập nhật để học cái gì, dạy cái gì”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Dưới góc độ đơn vị đào tạo, ThS. Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cho rằng, các trường ĐH phải phát huy khả năng tự chủ để phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp... thực hiện kế hoạch. Mặt khác, chủ động rà soát chuẩn đầu ra, đối chiếu với yêu cầu của khung trình độ quốc gia để hoàn thiện chuẩn đầu ra của chương trình, điều chỉnh chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động. Các trường phải chủ động đổi mới chương trình, mở chương trình mới năng động hơn, cùng các giải pháp không trái với Luật Giáo dục đại học.

Trong khi đó, theo các nhà quản lý, thực hiện kế hoạch khung trình độ quốc gia cần có 2 vấn đề lớn phải chuẩn bị, đó là nguồn kinh phí và nguồn lực con người. Để thực hiện tốt kế hoạch, các chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT phải chọn ra nhóm chuyên trách có hiểu biết và trách nhiệm để lên kế hoạch thật chi tiết trên cơ sở kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; lựa chọn chiến lược tiếp cận triển khai để đảm bảo hiệu quả, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra trong kế hoạch sao cho tiến độ xây dựng, kết quả thực hiện luôn đồng hành cùng tiến bộ KHCN và đòi hỏi của thị trường lao động, cũng như hội nhập quốc tế.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top