Học trên truyền hình, internet

Khó triển khai ở Ðiện Biên

08:29 - Thứ Hai, 13/04/2020 Lượt xem: 9341 In bài viết

ĐBP - Ðến nay, đã hơn 2 tháng kể từ ngày học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS tạm thời nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19; và hơn 1 tháng đối với học sinh bậc THPT, chuyên nghiệp. Làm thế nào để quản lý, giám sát học sinh và giúp các em học tập, ôn luyện tại nhà là vấn đề không chỉ ngành Giáo dục và Ðào tạo mà cả xã hội đều quan tâm. Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai tại tỉnh ta, chủ yếu là học trên truyền hình và mạng internet. Tuy nhiên đối với địa bàn miền núi như tỉnh ta, các hình thức này gặp rất nhiều khó khăn. Tại các xã nông thôn, vùng cao gần như không triển khai được.

Học sinh xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên tự học tại nhà khi nghỉ dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Hiền

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã ban hành Văn bản số 449/SGDÐT-GDTrH ngày 18/3/2020, Công văn số 464/SGDÐT-CNTT&NCKH ngày 20/3/2020 về việc tổ chức dạy và học qua internet, trên truyền hình trong thời kỳ phòng, chống Covid-19 và ôn thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đó, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực, chủ động triển khai các hình thức học tập phù hợp cho học sinh. Ðối với cấp tiểu học, THCS, giáo viên xây dựng nhóm với cha mẹ học sinh hoặc học sinh trên các mạng xã hội (như zalo, facebook) để cung cấp tài liệu, hướng dẫn học tập và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Tại địa bàn vùng cao, có thể đến trực tiếp nhà học sinh (đại diện nhóm học sinh theo địa bàn dân cư) để giao tài liệu học tập và thu lại kết quả học tập. Ðối với học sinh THPT, giáo viên cung cấp tài liệu tự học qua mạng internet cho học sinh. Ngoài ra, các trường hướng dẫn học sinh tham khảo, học tập trên kênh Truyền hình Hà Nội 2, VTV7 và học trực tuyến qua internet từ các đường link do Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội hỗ trợ miễn phí. Và mới đây nhất, từ ngày 10/4, Sở GD&ÐT phối hợp với Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình dạy học trên truyền hình và internet cho học sinh lớp 9 và 12, nhằm giúp học sinh củng cố, tăng cường kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Kế hoạch đã được triển khai đến các trường trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng ngoài địa bàn thành phố có thể tiến hành thuận lợi thì các huyện, thị khác đều gặp khó. Ngay cả những xã vùng lòng chảo - trung tâm của huyện Ðiện Biên, tỉ lệ học sinh tham gia học trên truyền hình, internet cũng đạt thấp. Còn với nhiều trường vùng cao, các hình thức trên là bất khả thi.

Những ngày này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Nhà (xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên) được trưng dụng trở thành khu cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch bệnh. Theo chủ trương chung, nhà trường không trưng tập giáo viên làm việc trong thời điểm dịch bệnh. Giáo viên làm việc tại nhà, liên hệ gia đình học sinh, hướng dẫn học sinh ôn luyện trên mạng internet. Tuy nhiên chỉ có hơn 20% học sinh là con em gia đình có điều kiện, ở trung tâm xã, gần trục đường chính có thể tham gia học trên truyền hình, internet. Số học sinh còn lại ở các bản vùng cao, khó khăn không thể học được theo các hình thức này. Thầy Bùi Tiến Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy cô chỉ có thể liên lạc qua điện thoại, Ban giám hiệu thi thoảng đến các bản nắm bắt tình hình học sinh để nhắc nhở các em không theo người khác đi làm ăn xa hay lập gia đình. Nói chung giáo dục tư tưởng là chính. Cũng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở bản xa gọi điện hỏi thầy cô phương án nào để học được nhưng không có mạng internet, thậm chí nhiều bản chưa có sóng điện thoại, điện lưới quốc gia thì không thể triển khai các hình thức trên được, các em tự mình ôn tập thôi”. Thầy Bùi Tiến Phong cũng cho biết thêm, Ban giám hiệu nhà trường đã bàn bạc, xây dựng kế hoạch khi đi học lại sau khi hết dịch là dạy nối tiếp chương trình cho tất cả học sinh. Tuy nhiên trong một lớp sẽ phân hóa đối tượng, dạy bồi dưỡng, nâng cao hơn cho học sinh đã tham gia học online, nắm được kiến thức cơ bản.

20% học sinh học trên truyền hình, qua internet của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Nhà vẫn là con số tương đối cao so với các trường vùng cao. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) với gần 100% học sinh dân tộc thiểu số, các hình thức học tập này không triển khai được. Thầy Trần Ðăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ðịa bàn có 4 bản không có điện lưới quốc gia; các hộ dân sống không tập trung, rải rác. Hơn nữa thời điểm nghỉ dịch này lại đúng mùa phát nương, xuống hạt nên nhiều học sinh phải ở nhà trông em, làm việc nhà, lớn một chút như học sinh lớp 4, 5 thì đã phải lên nương với bố mẹ. Thời gian đầu, giáo viên còn giao bài tập giấy cho học sinh theo tuần, về sau không thực hiện được nữa do các chỉ đạo về phòng dịch và đường đến nhiều bản rất xa và khó đi. Số lượng học sinh tham gia học thông qua internet, truyền hình rất ít, không đáng kể. Chủ yếu là con em cán bộ giáo viên, cán bộ xã, gia đình mở hàng quán tại trung tâm, tỉ lệ chỉ khoảng 3 - 4% (trong tổng số 498 học sinh toàn trường).

Ðây là tình hình chung không của riêng huyện nào. Tại huyện Tủa Chùa, việc triển khai các hình thức học tập cũng chỉ thực hiện được tại khu vực thị trấn và bản vùng thấp của xã Mường Báng. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cho biết: 2 bậc học (tiểu học, THCS) với hơn 12.000 học sinh toàn huyện chỉ có khoảng hơn 20% học sinh tiếp cận được học trên truyền hình, internet. Ngoài lý do khách quan về điều kiện học thì sự quan tâm của phụ huynh và ý thức học sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh tham gia học trên truyền hình, internet đạt thấp. Học trực tiếp trên lớp, nhiều gia đình và học sinh còn cần phải có sự tác động của chính quyền xã, bản; giáo viên đến tận nhà vận động, thuyết phục, bố mẹ mới cho con xuống trường, học sinh mới ra lớp. Nay tự học tại nhà thì không phải ai cũng nhận thức được sự cần thiết và tinh thần tự giác. Mặc dù vậy, việc triển khai các hình thức học tập qua mạng, truyền hình vẫn được tích cực vận dụng. Từ đầu tháng 3, Phòng đã phối hợp với Viễn thông Ðiện Biên tổ chức chương trình tập huấn cho giáo viên các trường về dạy học trực tuyến, hướng dẫn học sinh sử dụng internet để học tập.

Về phía học sinh, tự học tại nhà cũng không dễ dàng. Nhiều em cho biết, theo dõi bài học mới trên truyền hình, internet không hiểu. Hơn nữa bị xao nhãng bởi các việc khác, không tập trung học liền mạch được hoặc không tạo được động lực học thường xuyên, học hàng ngày. Mặc dù khó khăn nhưng các trường trong toàn tỉnh vẫn cố gắng triển khai các hình thức học tập phù hợp, triển khai tại các bản có khả năng thực hiện. Nhà trường thường xuyên nắm tình hình học sinh qua liên hệ điện thoại, qua kênh thông tin của đoàn thể, cán bộ xã, bản. Ðồng thời lên phương án, kế hoạch chương trình học, sẵn sàng tâm thế đón học sinh trở lại trường, tiếp tục hoàn thành năm học 2019 - 2020.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top