Tuyển sinh đại học năm 2020: Tăng tự chủ cho các trường

14:50 - Thứ Hai, 13/04/2020 Lượt xem: 8395 In bài viết

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) và các ngành đào tạo giáo viên (sau đây gọi tắt là Quy chế tuyển sinh 2020). Trong đó, điểm nổi bật là các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, những ngành đặc thù được ưu tiên tuyển sinh… 

Sinh viên ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghệ TPHCM) trong giờ học thực hành.

Tự chủ chứ không thả nổi

Theo Bộ GD-ĐT, Quy chế tuyển sinh 2020 bám sát quy định mới của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và bổ sung nhằm tăng tính tự chủ cho các trường ĐH. Các trường được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải thỏa mãn các tiêu chí, như: Có chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành; tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo của năm trước liền kề đạt từ 90% trở lên; trong 5 năm liền trước đó không vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường. Theo Vụ Giáo dục ĐH, việc tự chủ này phải đi kèm cơ chế cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đào tạo, phải công bố trong đề án tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội cùng cơ quan có thẩm quyền. 

Quy chế tuyển sinh 2020 cũng nêu rõ, trường ĐH đã đáp ứng các điều kiện thực hiện quyền tự chủ, thỏa mãn yêu cầu quy định ngành đào tạo, sẽ được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó. Nếu trong trường hợp có ngành mà chương trình đào tạo chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng, thì ngành đó chỉ được tăng chỉ tiêu không quá 10% so với năm liền kề. Ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng thì được xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo, phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh. 

Quy chế tuyển sinh 2020 cũng ràng buộc khá rõ, nếu không đảm bảo quy định trong quy chế thì cơ sở đào tạo không được tăng chỉ tiêu trong năm 2020 so với năm 2019, ngoại trừ những ngành mới mở, ngành đã có chương trình được kiểm định, ngành đào tạo ưu tiên thuộc nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng, nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin. 

Theo nhận định của nhiều trường ĐH, quy chế mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành có nhiều điểm mới, tạo điều kiện và tăng tính tự chủ hơn cho các cơ sở đào tạo. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay; đồng thời khuyến khích những ngành, những trường được kiểm định chất lượng.    

Ưu tiên ngành đặc thù

Những trường ĐH triển khai đào tạo các ngành Du lịch, Công nghệ thông tin được “tạo điều kiện” tăng chỉ tiêu trong quy định về giảng viên thỉnh giảng. Theo quy định chung, giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có trình độ từ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên; riêng với các nhóm ngành được ưu tiên (Du lịch và Công nghệ thông tin) thì giáo viên thỉnh giảng có thể là các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý (gọi chung là chuyên gia) có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp về lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, các trường được áp dụng cơ chế đào tạo trình độ ĐH các ngành ưu tiên này chỉ được thực hiện từ khóa tuyển sinh thứ 2 kể từ khi mở ngành đào tạo. 

Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2019, trường thí điểm mở 2 ngành Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, nhằm đáp ứng thực tế nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Nhưng giảng viên cho các ngành này cần những người giỏi thật sự, là các chuyên gia về công nghệ thông tin, toán, siêu máy tính... Trong khi đó, Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết 2 nhóm ngành Du lịch và Công nghệ thông tin được hưởng cơ chế đặc thù (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm từ 2017-2020) trong tuyển sinh, nhưng không phải muốn tuyển bao nhiêu thì tuyển. Lý do là ngoài phải chứng minh nhu cầu doanh nghiệp (ít nhất phải ký kết hợp tác với 10 - 15 doanh nghiệp), còn phải có các chuyên gia tham gia thỉnh giảng, đảm bảo 50% thực hành, 50% lý thuyết cho người học. Chưa hết, sau khi tuyển sinh, Bộ GD-ĐT còn hậu kiểm các điều kiện, nên nếu nói các trường đua nhau tăng chỉ tiêu ở nhóm ngành đặc thù là chưa đúng. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều trường ĐH đang chạy đua mở các ngành đặc thù liên quan đến Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu... mà mục đích là lôi kéo người học. Nhưng việc thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo rất đáng lo. Ngược lại, với những trường có uy tín, có chất lượng, khi xác định tăng chỉ tiêu ở những ngành đặc thù, đòi hỏi chuẩn bị rất nghiêm túc về các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên), nếu không, khi hậu kiểm (tiến hành hàng năm sau mỗi kỳ tuyển sinh) hoặc kiểm định bị phát hiện, sẽ bị buộc dừng quyền xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Phát biểu tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2020 mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tuyển sinh ĐH năm 2020 phải khắc phục những tồn tại của tuyển sinh năm 2019, như: một số trường công bố mã ngành tuyển sinh chưa phù hợp gây bức xúc xã hội; điểm đầu vào của một số ngành đào tạo còn thấp... Năm 2020, phải nâng chuẩn đầu vào, các mã ngành đào tạo phải có cơ sở khoa học và thực tiễn, nếu đưa ra nhiều ngành đào tạo mới mà không gắn với nhu cầu thị trường thì không được.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top