Trường mầm non ngoài công lập gặp khó trong mùa dịch Covid-19

16:22 - Thứ Tư, 15/04/2020 Lượt xem: 9687 In bài viết

ĐBP - Từ đầu tháng 2 đến nay, trẻ mầm non cũng như học sinh tiểu học, THCS liên tục nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Trong khi các trường công lập, chính sách cho giáo viên vẫn đảm bảo thì những cơ sở giáo dục ngoài công lập lại gặp rất nhiều khó khăn, vì không có nguồn thu do học sinh nghỉ học.

Giáo viên Trường Mầm non Rainbow (TP. Điện Biên Phủ) vệ sinh trường lớp trong thời gian học sinh nghỉ học.

Có mặt tại Trường Mẫu giáo SOS Điện Biên Phủ, không gian yên tĩnh hiện ra trước mắt chúng tôi. Những hành lang vắng lặng, những dãy phòng học đóng cửa, khu đồ chơi bỏ không trong khuôn viên; chỉ có vài cô giáo đến lau dọn, sắp xếp đồ đạc trong phòng lớp học mình phụ trách, với mong muốn sớm được đón các em học sinh đến lớp học tập. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thị Thúy Mơ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo SOS Điện Biên Phủ, cho biết: “Tính đến hết tháng 3/2020, đơn vị đã chi trả 100% lương cho đội ngũ giáo viên, người lao động (trừ 1 nhân viên hợp đồng nghỉ không lương). Tuy nhiên, do các em học sinh nghỉ học nên nhà trường không có nguồn thu. Vì vậy, các nguồn chi hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí do SOS Việt Nam cấp. Từ tháng 4/2020, đơn vị sẽ phải căn cứ vào dự toán được duyệt của Văn phòng SOS Việt Nam để chi trả, dự báo sẽ bị cắt giảm lương”.

Đối với các trường ngoài công lập, bên cạnh việc trường lớp đóng cửa vì học sinh nghỉ học thì còn nhiều nỗi lo chồng chất: lo kinh phí duy trì trường lớp, lo biến động nhân sự sau dịch bệnh… và nỗi lo lớn hơn cả là những khoản mà đơn vị phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Nghỉ hoạt động hơn 2 tháng nay, chị Bùi Thu Huyền, Chủ trường Mầm non Rainbow, thành phố Điện Biên Phủ đang phải tính toán đưa ra các phương án cân đối thu chi, để có thể vừa hỗ trợ phần nào tiền lương cho giáo viên và duy trì được hoạt động của nhà trường lâu nhất có thể. Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thu Huyền, cho biết: “Ngoài nguồn thu từ học phí, chúng tôi không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Chính vì vậy, từ khi học sinh nghỉ học thì nhà trường đã gặp khó khăn rất lớn. Không có nguồn thu nhưng nhà trường vẫn phải duy trì mọi hoạt động, lo chi phí tiền điện, tiền nước, chi phí lương cho giáo viên, người lao động và lãi vay đầu tư cơ sở vật chất dạy học. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án vay ngân hàng để hỗ trợ lương cho giáo viên, song về lâu dài rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước để có thể duy trì hoạt động đến khi hết dịch”.

Đồng hành cùng nhà trường trong thời gian ngừng hoạt động, cô giáo Vũ Thị Hoa cùng một số giáo viên hàng ngày vẫn thay nhau đến trường để tham gia dọn dẹp vệ sinh và soạn bài giảng mới. Là giáo viên của trường ngoài công lập, các cô gặp rất nhiều khó khăn khi học sinh không đến trường, đồng nghĩa với việc trường không có nguồn thu. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Hoa cho biết: “Với mức lương giáo viên hàng tháng, cuộc sống của gia đình tôi cũng tạm ổn. Từ khi trường cho học sinh nghỉ học đến nay, để kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình, tôi đã bán hàng online tại nhà, được đồng nào tốt đồng ấy. Tôi mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để được quay lại công việc giảng dạy, có thu nhập ổn định chăm lo cho gia đình”. Tuy nhiên, bản thân cô Hoa và nhiều giáo viên trong trường đều hiểu đây là khó khăn chung do dịch bệnh nên sẽ cố gắng khắc phục. “Tôi đã có 7 năm gắn bó với trường, thời điểm này chúng tôi hiểu mình khó một thì chủ trường khó mười. Vì thế, các bên cần chia sẻ, hỗ trợ với nhau, cùng cố gắng đến khi dịch bệnh được đẩy lùi” - cô giáo Hoa nói.

Khi được hỏi về hỗ trợ của nhà trường, cô giáo Hoa cho biết, tháng 2, cô và tất cả giáo viên của trường được nhận 100% lương. Còn tháng 3 thì trường đã có thông báo sẽ hỗ trợ một phần lương cơ bản cho giáo viên. Có thể thấy, đây là sự cố gắng rất lớn của chủ trường nhằm đảm bảo cho cuộc sống của các giáo viên.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 30/12/2019, toàn tỉnh có 3 trường mầm non ngoài công lập thuộc loại hình trường mầm non tư thục và 12 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được cấp phép. Mặc dù số lượng không quá nhiều nhưng do thời gian học sinh nghỉ học phòng chống dịch bệnh kéo dài nên các cơ sở giáo dục ngoài công lập này đều lâm vào cảnh khó khăn, khiến nguồn thu nhập của giáo viên bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, việc cho học sinh các cấp nghỉ học là giải pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho các cháu trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Do vậy, các giáo viên và những cơ sở giáo dục ngoài công lập đều tuân thủ theo các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng dịch, tạm ngừng nhận trẻ và thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp lớp học, sẵn sàng đón trẻ trở lại sau đợt nghỉ do dịch bệnh. Mong muốn của các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập hiện nay là được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top