Nỗ lực triển khai dạy và học ở Na Cô Sa

09:29 - Thứ Hai, 20/04/2020 Lượt xem: 8358 In bài viết

ĐBP - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc dạy và học qua internet, qua truyền hình để đảm bảo hoàn thành chương trình của năm học. Tuy nhiên, khi triển khai tại các địa bàn vùng cao, cả giáo viên và học sinh gặp phải những khó khăn và bất cập trong việc áp dụng hình thức công nghệ hiện đại này. Với sự nỗ lực vượt khó, áp dụng nhiều cách làm linh hoạt, đến nay thầy và trò Trường Tiểu học Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) đã triển khai bước đầu có kết quả đáng ghi nhận.

Cán bộ Ðồn Biên phòng Na Cô Sa hướng dẫn “con nuôi biên phòng” và các em học sinh làm quen với phương pháp học mới trên máy tính. Ảnh: Thành Chương

Na Cô Sa là xã vùng cao biên giới, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Nậm Pồ. Ðời sống của đại bộ phận nhân dân còn nghèo, việc tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền hình đều mới mẻ. Ðó là chưa kể đến việc học sinh không có máy tính và chưa có kỹ năng để sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc triển khai dạy và học qua truyền hình và internet trên địa bàn là vấn đề hết sức nan giải. Trước thực trạng đó, để đảm bảo cho học sinh không bị thiệt thòi so với học sinh ở khu vực, vùng miền khác, Trường Tiểu học Na Cô Sa áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp, như: Phân công giáo viên soạn và trực tiếp đem phiếu bài tập đến tận nhà cho học sinh; hướng dẫn học sinh làm bài... thậm chí gửi phiếu bài tập qua trưởng thôn, bản hoặc người dân đem về cho các em làm rồi đến kiểm tra và hướng dẫn sau...   

Trường Tiểu học Na Cô Sa hiện có hơn 900 học sinh theo học ở 11 điểm bản. Theo thống kê, toàn trường chỉ có khoảng hơn 30 học sinh con em những gia đình có điều kiện có thể theo học trực tuyến. Số còn lại, các thầy cô phải mang phiếu học tập đến từng nhà để giao và hướng dẫn các em làm bài. Nói về những khó khăn, vất vả của các thầy, cô trong việc triển khai cho các em học tập trong giai đoạn này, thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Cô Sa chia sẻ: Thực hiện chủ trương của ngành Giáo dục, tất cả cán bộ, giáo viên trong trường đều sẵn sàng, tận tâm để các em học sinh không bị thiệt thòi về kiến thức khi năm học kết thúc. Như trường hợp cô giáo Cà Thị Thoa, chủ nhiệm lớp 2A4, dù bụng mang dạ chửa song vẫn nhiệt tình nhận nhiệm vụ đi đến từng gia đình học sinh để giúp các em làm bài tập và ôn luyện. Mấy hôm gần đây, mặc dù trời mưa gió, nhưng cô Thoa vẫn đội mưa, cuốc bộ mấy cây số lên bản Huổi Thủng 3 để giao bài cho học sinh.

Cô giáo Cà Thị Thoa cũng chia sẻ: Em mang bầu đã 8 tháng rồi nên không thể đi nhanh như các thầy cô khác được, thế nhưng người dân ở đây có câu là “khắc đi, khắc đến” nên em cũng không ngại đi. Hôm trước em lên mấy hộ ở trên lưng chừng núi để đưa bài cho học sinh, song họ lại đi nương hết, điện thoại thì không có sóng, cuối cùng thì em lại phải quay về. Hôm sau em lại lên để đợi, chứ các cháu mà không học được bài, bị trống kiến thức thì thiệt thòi cho các cháu mà chúng em cũng không thể yên tâm.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của Ban giám hiệu và tập thể cán bộ giáo viên nhà trường nên đến ngày 12/4, hầu hết học sinh Trường Tiểu học Na Cô Sa đã nhận được phiếu học tập. Mặc dù trong những ngày này thời tiết không thuận lợi, trời mưa, đường trơn trượt, đường lên các bản vùng cao của xã lại đều phải đi bộ song các giáo viên nhà trường quyết tâm không để học sinh phải “nghỉ học” trong thời gian nghỉ để phòng dịch.

Ðể có thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu dạy và học trong thời gian chống dịch Covid-19, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quân cho biết: Trước khi triển khai, chúng tôi đã họp bàn, làm công tác tư tưởng với các thầy cô. Vì đây là dịch bệnh chứ không ai muốn như vậy nên tất cả đều đồng lòng thực hiện. Thậm chí các thầy cô phải tự bỏ kinh phí để in ấn tài liệu cho các em... Chúng tôi đã huy động tất cả các giáo viên toàn trường tham gia, phân công giáo viên phụ trách theo từng nhóm hộ, nhóm bản. Bình quân mỗi thầy, cô phụ trách từ 15 - 20 hộ trong cùng một bản. Có gia đình có 4 đến 5 cháu đang đi học thì một thầy cô sẽ tranh thủ hướng dẫn luôn. Như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Cùng chia sẻ khó khăn với các thầy cô và học sinh trên địa bàn, ngày 15/4, Ðồn Biên phòng Na Cô Sa phát động “Cuộc vận động quyên góp máy tính cũ cho trẻ em vùng cao học trực tuyến” đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và đông đảo người dân trong cả nước thông qua mạng xã hội facebook. Thiếu tá Nguyễn Văn Ðại, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Na Cô Sa cho biết: Chúng tôi phát động cuộc vận động này với mong muốn có nhiều hơn nữa các em học sinh vùng cao được tiếp cận với các thiết bị học tập hiện đại, nhiều tiện ích. Trên trang facebook cá nhân, Thiếu tá Nguyễn Văn Ðại cũng tha thiết kêu gọi: Các bác, các cô chú, anh chị em ai có máy tính cũ không không dùng đến hãy chia sẻ cho các con ở vùng cao để các con có cơ hội học tập như các bạn ở miền xuôi...

Ðể thực hiệt tốt mục tiêu của ngành Giáo dục về việc dạy và học trong giai đoạn đầy khó khăn hiện nay, bằng sự cố gắng, tâm huyết của các cán bộ, giáo viên cùng với sự chung tay của toàn xã hội; tin rằng học sinh ở xã nghèo Na Cô Sa sẽ sớm thích ứng với phương pháp học mới để cập nhật kiến thức cần thiết trước khi phương pháp dạy và học theo cách truyền thống được áp dụng trở lại.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top