Xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới

09:24 - Thứ Sáu, 08/05/2020 Lượt xem: 8943 In bài viết

ĐBP - Trước yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đặt ra, thời gian qua, Sở GD&ÐT không chỉ nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới theo hướng phát triển năng lực.

Giáo viên huyện Tủa Chùa tập huấn chuyên môn theo chương trình GDPT mới. Ảnh: Hoàng Lâm

Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 8.229 giáo viên (trong đó: 4.311 giáo viên tiểu học, 2.664 giáo viên THCS, 1.254 giáo viên THPT), đa phần đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn, đủ khả năng lĩnh hội, thực hiện nhiệm vụ theo chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 37,5% giáo viên ở các huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn cần đào tạo đạt trình độ đại học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019; trong khi tại những huyện này một số giáo viên chuyển vùng hàng năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán. Việc thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, nhất là giáo viên tiếng Anh, âm nhạc, mĩ thuật... ở các bậc học đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai theo chương trình GDPT mới. Ðơn cử như, tại huyện Tủa Chùa, dù chỉ tiêu tuyển mới giáo viên tiếng Anh năm nào cũng có nhưng nguồn tuyển không có nên nhiều năm nay huyện phải xoay sở tìm cách khắc phục. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Tủa Chùa cho biết: “Toàn huyện hiện có 16 giáo viên tiếng Anh, so với chỉ tiêu và biên chế được giao thì huyện còn thiếu 10 giáo viên mà không có nguồn tuyển. Khắc phục khó khăn này, Phòng đã giao giáo viên tiếng Anh bậc THCS ở các xã: Sín Chải, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng… đảm nhiệm dạy cả bậc tiểu học theo cụm xã”.

Trước những khó khăn trên, để giúp đội ngũ giáo viên nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới, Sở GD&ÐT đã chỉ đạo các phòng GD&ÐT, các trường học lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp có trình độ chuyên môn tốt, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục để tiếp thu triển khai tập huấn, bồi dưỡng tới 100% cán bộ quản lý, giáo viên. Ðến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 348 cán bộ quản lý cấp sở, cấp phòng, giáo viên cốt cán các cấp tiểu học, THCS, THPT tham gia tập huấn triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông cốt cán. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch của địa phương triển khai kế hoạch thực hiện chương trình và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT; rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để triển khai thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, trong chương trình GDPT có các môn học tích hợp, song với điều kiện thực tế hiện nay và một đơn vị kiến thức liên môn, đa phần giáo viên đều chưa đáp ứng được, bởi giáo viên chủ yếu vẫn dạy đơn môn. Trong khi dạy tích hợp liên môn có nhiều chủ đề, việc phân công giáo viên nào đảm trách dạy các chủ đề và kiến thức, trình độ của giáo viên có bảo đảm cho việc dạy các chủ đề của tích hợp liên môn hay không cũng khiến nhiều trường lúng túng. Do đó, để giúp các trường và giáo viên tháo gỡ khó khăn, tâm lý khi dạy tích hợp liên môn, Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục, giáo viên lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề sắp xếp thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn. Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Bên cạnh đó, hướng dẫn các trường tăng cường tổ chức các hoạt động chuyên môn, khuyến khích giáo viên sáng tạo trong tổ chức dạy học tích hợp liên môn, như: Tổ chức Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên; sáng tạo thanh thiếu niên, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh… Qua các hoạt động đó, giáo viên và học sinh sẽ tự tin tiếp cận, triển khai chương trình tốt hơn.

Thầy Phạm Mạnh Cường, giáo viên Tổ Vật lý - Công nghệ, Trường THCS Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Cách tiếp cận giáo dục tích hợp liên môn thể hiện rõ được các ưu thế nổi bật, như: Kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học, khả năng sáng tạo, tư duy logic, có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện. Thông qua giáo dục tích hợp liên môn, giáo viên gợi mở được cho học sinh nhiều cách học, thực hành hiệu quả. Ví dụ, chỉ với kiến thức học về sóng âm ở môn vật lý, khi giáo viên yêu cầu học sinh phải làm được một nhạc cụ, học sinh đã tự chia nhóm vận dụng kiến thức của các môn học, như: Toán, lý, sinh, công nghệ thực hiện thiết kế bản vẽ, tìm hiểu về cao độ, trường độ âm, mày mò đo đạc, tính toán, lựa chọn nguyên vật liệu để hoàn thiện sản phẩm.

Thời gian tới, để xây dựng được đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới, Sở GD&ÐT sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, năng lực cho những giáo viên dạy các môn học tích hợp. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng bổ sung giáo viên, đặc biệt là giáo viên những bộ môn mới ở cấp THPT như: Âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật... Từ đó từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng giáo viên đáp ứng triển khai thực hiện chương trình GDPT. Ðồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học để phục vụ tốt nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường; nhất là các trường tiểu học bắt đầu thực hiện chương trình từ năm học 2020 - 2021; chỉ đạo các trường mầm non và phổ thông sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đồ dùng, trang thiết bị hiện có tránh gây lãng phí...

Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top