Không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa

16:37 - Thứ Hai, 18/05/2020 Lượt xem: 8737 In bài viết

Sau hai lần đấu thầu để tuyển chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa (SGK) không thành công, người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho biết Bộ sẽ không tổ chức biên soạn một bộ SGK như nhiệm vụ được giao và Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho rằng việc này sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Thông tin về nội dung Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện, triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT cho biết để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 88 (NQ88) và Nghị quyết 51, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện việc đổi mới, giao những nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương để triển khai.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đối với việc chuẩn bị SGK cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tổng kết đánh giá ưu điểm và hạn chế, bất cập của SGK hiện hành, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong tổ chức biên soạn SGK mới. Bộ ban hành Thông tư số 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản thuộc ngành giáo dục tổ chức biên soạn, xuất bản SGK bằng kinh phí xã hội hóa. Hiện nay, đã có 5 bộ SGK lớp 1, gồm 46 SGK của đầy đủ các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và SGK môn học tự chọn tiếng Anh được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Đối với nhiệm vụ biên soạn một bộ SGK sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ SGK gồm 137 đầu SGK của đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12.

Theo quy định của Ngân hàng Thế giới, việc tuyển chọn tác giả SGK phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình nên chỉ có thể tiến hành sau khi các chương trình môn học đã được ban hành.

Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới (tháng 12-2018), Bộ GD-ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả. Nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các NXB và triển khai biên soạn SGK.

Tháng 2 năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức đấu thầu (lần 2) để tuyển chọn tác giả SGK. Số ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đã đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Tuy nhiên, khi thương thảo để ký hợp đồng, các tác giả đã đưa ra nhiều yêu cầu về nhuận bút lâu dài sau khi biên soạn mà theo quy định thì Bộ GD-ĐT không đáp ứng được.

“Hiện nay, các NXB đang tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 để thẩm định trong năm 2020; tiếp tục biên soạn SGK các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo đáp ứng lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các NXB”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng, chỉ đạo thực hiện việc cung cấp SGK miễn phí cho thư viện các trường học ở vùng khó khăn; chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và các NXB thuộc ngành giáo dục tham gia biên soạn, xuất bản SGK thực hiện việc tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ GD-ĐT tăng cường các biện pháp bảo đảm chất lượng và chủ động chuẩn bị SGK thông qua việc chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam, do Bộ GD-ĐT làm chủ sở hữu nhà nước, thực hiện việc biên soạn, xuất bản, in, phát hành một bộ SGK đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục.

“Cách làm này vẫn bảo đảm đủ SGK, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng để chủ động triển khai chương trình mới, đồng thời khuyến khích phát triển xã hội hóa biên soạn SGK theo chủ trương của Quốc hội” – Bộ trưởng khẳng định.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top