Gia tăng học sinh có nguyện vọng học nghề

09:01 - Thứ Tư, 17/06/2020 Lượt xem: 7982 In bài viết

ĐBP - Muộn hơn so với mọi năm, hiện tại học sinh lớp 12 đang bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị hồ sơ tuyển thẳng. Ðây là thời điểm quan trọng với những lựa chọn ngành nghề tác động lớn tới tương lai của các em. Vì vậy không ít học sinh băn khoăn, phân vân, lo lắng, cần sự tư vấn, định hướng của gia đình, nhà trường và cán bộ chuyên môn. Hoạt động này cũng đang được các trường đẩy mạnh triển khai để giúp các em có quyết định đúng đắn.

Học sinh Trường THPT Thanh Nưa tham gia khảo sát nguyện vọng ngành nghề và nghe tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Chiều ngày 11/6, 106 học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) có mặt đông đủ tham gia buổi nói chuyện chuyên đề “Nâng cao năng lực lựa chọn nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm” do Trường phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức. Buổi nói chuyện còn có sự tham gia của đại diện Trường Cao đẳng Nghề, 1 công ty về du học và xuất khẩu lao động, 1 nghiên cứu sinh khảo sát về lựa chọn nghề nghiệp. Các em được chia sẻ về những tồn tại, những lựa chọn nghề nghiệp sai lầm của anh chị khóa trước để rút kinh nghiệm; xu hướng chọn nghề hiện nay. Và được gợi ý, cung cấp thông tin một số ngành nghề đào tạo, tuyển dụng tại địa phương. Thêm lựa chọn cho các em là xuất khẩu lao động với những quyền lợi, chính sách ưu đãi. Buổi nói chuyện đã giúp học sinh hiểu hơn về một số nghề nghiệp, cơ hội việc làm để đưa ra quyết định hoặc hình thành rõ ràng hơn lựa chọn mà có thể trước đó còn băn khoăn. Em Quàng Văn Quyết, lớp 12C2 chia sẻ: “Em thích ngành công nghệ thông tin nhưng chưa biết học ở đâu, xin việc như thế nào. Qua buổi hôm nay, em dự định đăng ký học tại Trường Cao đẳng Nghề, sau có thể làm cho các cửa hàng, công ty tại địa bàn”. Học sinh Lò Thị Chung, lớp 12C3 cũng cho biết: “Em thích thời trang từ khi học cấp II. Em sợ học cao đẳng, đại học về cũng khó xin việc mà gia đình em lại không đủ điều kiện để theo học. Vậy nên em định sau khi tốt nghiệp sẽ đi học may về mở quán ở gần nhà”.

Không riêng học sinh Quàng Văn Quyết hay Lò Thị Chung mà học nghề đang chiếm đa số trong nguyện vọng chọn trường, chọn ngành của học sinh cuối cấp. Thầy Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu phó Trường THPT Thanh Nưa cho biết: “Những năm gần đây, phần đông học sinh lớp 12 của trường lựa chọn học nghề hoặc về phát triển kinh tế gia đình thay vì học các trường đại học. Năm học 2018 - 2019, Trường có 97 học sinh dự thi tốt nghiệp thì có 35 em đăng ký dự thi, xét tuyển cao đẳng, đại học. Năm học này thì chỉ có 19/106 em dự định nộp hồ sơ vào cao đẳng, đại học. Ða số các em chọn học những nghề như: Sửa chữa ô tô, điện tử điện lạnh, điện dân dụng, cắt tóc, làm đẹp… Nhiều em của những khóa trước đã ra đi làm ở các gara ô tô, hiệu tóc, thời trang… trong thành phố hoặc về gần gia đình. Ðây cũng là những trường hợp cụ thể, thiết thực để học sinh hiện tại của trường tham khảo, đưa ra lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân”. Ðược biết cuối tháng 6, thời điểm các em phải đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành, Trường THPT Thanh Nưa sẽ tiếp tục tổ chức 1 buổi hướng nghiệp tập trung cho học sinh lớp 12 để hướng dẫn và giúp các em có lựa chọn đúng đắn.

Còn tại Trường THPT Phan Ðình Giót (TP. Ðiện Biên Phủ), năm học trước có 85/227 (chiếm 37,4%) học sinh lớp 12 chọn học nghề sau khi tốt nghiệp. Ða số các em học tại địa bàn với các nghề: Sữa chữa ô tô, điện dân dụng, chăm sóc tóc, nấu ăn. Ðể định hướng nghề nghiệp cho học sinh, thầy Phí Văn Sốp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường tích cực tuyên truyền để gia đình và học sinh có định hướng sớm từ năm lớp 11 về tương lai nghề nghiệp của các em, dựa trên sở trường, năng lực, nhu cầu việc làm của xã hội và điều kiện cụ thể của từng gia đình. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được tổ chức mỗi tháng 1 tiết với nội dung theo chương trình đã ban hành, nhưng được giáo viên chủ nhiệm thiết kế một cách sinh động, tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ khả năng của bản thân, qua đó có thể tư vấn cho các em nghề nghiệp phù hợp. Trên cơ sở định hướng chung, thực hiện các văn bản hướng dẫn tuyển sinh, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tư vấn cụ thể cho từng em trong lớp để có lựa chọn phù hợp nhất.

Có thể thấy học nghề đang trở thành xu hướng, được nhiều học sinh lựa chọn, đặc biệt là đối với học sinh vùng cao, có hoàn cảnh khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, cao đẳng, đại học không là con đường duy nhất cho tương lai, mà các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu xã hội và điều kiện tài chính gia đình thì đều có thể thành công.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top