Tránh lựa chọn ngành nghề theo trào lưu

09:45 - Thứ Ba, 23/06/2020 Lượt xem: 7189 In bài viết

Thay vì lựa chọn các ngành nghề truyền thống, mùa tuyển sinh năm nay, học sinh đang có xu hướng lựa chọn các ngành học mới, nhóm ngành phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy vậy, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, cùng với cơ hội, ngành nghề mới cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với người học nếu việc chọn ngành nghề chỉ chạy theo xu thế.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều thí sinh đã bày tỏ sự quan tâm về những ngành nghề nào có thể “biến mất” do robot thay thế, những ngành nghề nào có thể trở thành xu hướng “thời thượng” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo một thống kê mà các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra, trong thời gian tới, một số công việc truyền thống đang có nguy cơ biến mất. Đáng nói, những ngành nghề có nguy cơ chiếm tới trên 90% như nhân viên tín dụng, lễ tân, tư vấn tài chính, lái xe taxi. Những ngành nghề như nấu đồ ăn nhanh, nhân viên pha chế rượu, tư vấn thông tin pháp lý... có tỉ lệ "biến mất" từ 58 đến 77%.

Thậm chí, nghề lập trình máy tính cũng có tới 40% nguy cơ sẽ mất việc. Lý do là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tự động hoá và số hoá cũng sẽ rõ ràng hơn trong môi trường làm việc. Máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin đang nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Song song với việc một số ngành nghề có thể biến mất, thế giới cũng có không ít ngành nghề trở nên phổ biến hơn như chuyên gia phân tích đám mây, người sáng tạo nội dung trên YouTube, kĩ sư IA, lập trình ứng dụng, kĩ thuật viên điện thoại di động, phân tích web, thiết kế thực tế ảo, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia trải nghiệm người dùng... Nắm bắt được xu thế này, nhiều trường đại học đã tiên phong mở các ngành học mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh minh họa: Học sinh tham vấn chuyên gia tuyển sinh về chọn ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Trước đây, bây giờ và trong tương lai, robot đã, đang và sẽ là một cấu phần của nền công nghiệp 4.0. Nhưng vẫn phải khẳng định máy vẫn là máy, không bao giờ thay thế hoàn toàn con người. Yếu tố con người vẫn luôn quan trọng trong mọi thời đại”.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu quan điểm: Hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học có xu hướng mở ngành mới theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tên gọi hấp dẫn nhằm thu hút sinh viên như IT, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, big data...

Mặc dù đây là những ngành đáp ứng xu thế của xã hội theo hướng phát triển, song chúng ta không nên ngộ nhận tất cả các ngành đó đều phù hợp với mọi cá nhân. Những ngành này tuy vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, thậm chí có những nguy cơ cực lớn nếu như chỉ chọn nghề dựa theo dư luận, xu thế mà không tính toán một cách hợp lý.

Thực tế cho thấy, với những ngành nghề càng “hot”, càng “thời thượng” thì độ sàng lọc càng cao. Các em chỉ nên chọn những ngành nghề khi bản thân có năng lực, đam mê thực sự và khi đó mới không phải quá lo lắng đến cơ hội việc làm lúc ra trường. Vị chuyên gia tư vấn hướng nghiệp này cũng chỉ ra việc một số học sinh đang chọn ngành học, chọn nghề tương lai theo cảm quan, theo trào lưu, vì lí do kinh tế hoặc nghề được xã hội trọng vọng…

Ngoài ra, việc dành ít thời gian để tìm hiểu, tư tưởng học gì cũng được miễn là vào được đại học cũng là những “sai lầm” thường gặp đối với học sinh. PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cũng đưa ra 3 lời khuyên chọn trường, chọn ngành, nghề cho thí sinh. Đó là phải chọn ngành yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân, không chạy theo xu hướng đám đông.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top