Ðể môn lịch sử không khô khan, khó nhớ

08:50 - Thứ Năm, 25/06/2020 Lượt xem: 7381 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, hoạt động trải nghiệm, dã ngoại tìm hiểu lịch sử được các trường học trong tỉnh quan tâm thực hiện và tổ chức một cách sáng tạo, sinh động, đầy hứng thú. Qua đây làm cho môn lịch sử không còn khô khan với những con số, dấu mốc dày đặc mà trở nên dễ nhớ, dễ hiểu, thu hút. Ðồng thời khuyến khích học sinh quan tâm, tìm hiểu các sự kiện, di tích lịch sử của địa phương, đặc biệt là liên quan đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, góp phần bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước.

Học sinh Trường THCS Trần Can (TP. Ðiện Biên Phủ) tham quan trải nghiệm Di tích Ðồi A1.

Năm học 2019 - 2020 đối với học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Ðôn trôi qua với thật nhiều cảm xúc và ấn tượng. Trong đó không thể không kể đến “Hành trình Ðiện Biên” với hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại di tích lịch sử Ðồi A1, Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và cuộc thi làm hướng dẫn viên du lịch Ðiện Biên. Nhắc lại “Hành trình Ðiện Biên”, em Nguyễn Thị Thanh, lớp 11B1 vẫn rất hào hứng nhớ hết những hoạt động mình tham gia, những di tích, chi tiết lịch sử mình tìm hiểu. Thanh kể: “Em thích nhất là được trải nghiệm trên Ðồi A1 thông qua thi cứu thương, tải đạn, giải mật thư. Mới đây, trong hoạt động đợt 3 của “Hành trình Ðiện Biên”, em còn tham gia thi làm hướng dẫn viên du lịch, bốc thăm đúng Di tích Ðồi A1. Em đã tìm hiểu những thông tin, câu chuyện xoay quanh Ðồi A1, tập trung vào lô cốt, xe tăng, hầm cố thủ, hố bộc phá để thuyết minh, quay video dự thi và đoạt giải ba. Nhờ đó em hiểu hơn những vất vả, gian lao của các chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa và nhớ thật lâu các thông tin lịch sử”.

“Hành trình Ðiện Biên” được Trường THPT Chuyên Lê Quý Ðôn chia làm 3 đợt. Trong đó 2 lần tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh các khối lớp. Các em được sắp xếp theo lớp chuyên thành 1 đại đội, sắp xếp ngẫu nhiên thành trung đội tham gia các trò chơi tập thể cả vận động và trí tuệ, để tính điểm, trao giải. Tất cả học sinh đều thích thú với trò chơi đẩy xe đạp thồ, cứu thương - tải đạn, mắc tăng võng - anh nuôi, kèm các mật thư chỉ dẫn nơi giấu bản đồ hoặc đồ dùng cần thiết cho phần thi. Chặng 2 là phần chơi trí tuệ giải mật thư, yêu cầu học sinh phải có kiến thức về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, văn hóa, địa lý của tỉnh. “Hoạt động trải nghiệm tạo cho các em sự sôi nổi, hào hứng, vui vẻ khi tìm hiểu và ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Qua đó các em cũng thể hiện được sự sáng tạo, nhạy bén và vun đắp thêm tinh thần cởi mở, đoàn kết, tích cực” - cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga, Bí thư Ðoàn trường nhận định.

Còn tại Trường THCS Trần Can (TP. Ðiện Biên Phủ) ngoài học chính khóa môn lịch sử, lồng ghép hoạt động ngoại khóa tìm hiểu lịch sử phù hợp chủ điểm từng giai đoạn, ngày kỷ niệm thì hàng năm nhà trường đều phối hợp với phụ huynh tổ chức hoạt động tham quan, dã ngoại tại các di tích lịch sử dưới sự đề xuất của chính học sinh. Trong năm học, đã có một số lớp tổ chức đi Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đèo Pha Ðin. Sau chuyến đi, các em còn làm bài thu hoạch ngắn viết về địa điểm mình chọn và cảm xúc, suy nghĩ về di tích, thúc đẩy các em tư duy, tìm tòi, quan sát theo cách vừa học vừa chơi. Em Lâm Anh, lớp 9A1, sau khi tham quan dã ngoại Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã viết trong bài thu hoạch: “Ấn tượng lớn nhất đối với em là đường hầm xuyên núi dài 96m. Khó có thể tả hết cảm xúc khi được đặt chân tới vùng đất này, được tận mắt thấy chiếc lán đơn sơ, mộc mạc nhưng có ý nghĩa vĩ đại, được nghe về những năm tháng chiến đấu anh dũng của thế hệ cha ông…”. Ngoài các địa điểm trên, năm học này, cũng có lớp của nhà trường tham gia trải nghiệm “Chiến sĩ nhỏ Ðiện Biên” do Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ xây dựng. Học sinh được tham gia các hoạt động: Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1, tham quan Bảo tàng, thi đẩy xe đạp thồ, cứu thương, nấu bếp Hoàng Cầm, tự tay chuẩn bị bữa cơm chiến sĩ. Cô giáo Phạm Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ðây là lần đầu tiên trong trường có lớp tham gia “Chiến sĩ nhỏ Ðiện Biên”. Học sinh thích thú, phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Sau chương trình đó, nhiều lớp khác đề xuất nhà trường được tham gia hoạt động trải nghiệm này nhưng do dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nên không thể triển khai. Năm sau, nhà trường sẽ cố gắng phối hợp tổ chức nhiều hơn các chương trình trải nghiệm tìm hiểu lịch sử cho học sinh.

“Các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, dã ngoại tại địa bàn thực sự thiết thực cho môn học Lịch sử trên lớp, lịch sử địa phương của học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9 với nội dung về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Cách thức này giúp học sinh nhận thức sâu về các sự kiện, di tích lịch sử, hứng thú hơn với môn học, tư duy sáng tạo và liên tưởng phong phú hơn. Nhờ đó nhiều em đã có điểm cao hơn khi kiểm tra, đánh giá” - cô giáo Lò Thị Thanh, giáo viên môn Lịch sử, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Khoa học xã học, Trường THCS Trần Can chia sẻ. Tin rằng đây không chỉ là nhận định riêng của cô Thanh mà của chung các trường thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tìm hiểu lịch sử cho học sinh.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top