Giữ không gian xanh, an toàn trường học

09:47 - Thứ Ba, 07/07/2020 Lượt xem: 6867 In bài viết

ĐBP - Hệ thống cây xanh trong trường học rất quan trọng, bởi không chỉ điều hòa không khí mà còn tạo bóng mát cho sân trường. Trước những vụ cây phượng đổ liên tiếp trong trường học, thời gian gần đây, nhiều trường trên cả nước lo ngại mất an toàn đã tiến hành chặt bỏ, hoặc tỉa cành đến trơ trụi. Khác với cách làm của những địa phương khác là chặt bỏ hoặc tỉa cành đến trơ trụi thì nhiều trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã chủ động trong việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại nhiều trường học từ mầm non đến THPT trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, trong khuôn viên các trường đều trồng những loại cây tán rộng để lấy bóng mát, như: phượng, lát, xà cừ, bằng lăng, sấu, xoài, nhãn… Nhiều cây trong đó đã có tuổi đời lâu năm, tán cây lớn, gốc và cành cây to. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong trường trước hiện tượng cây đổ, gãy cành... luôn được các đơn vị trường học đặc biệt quan tâm.

Song song với việc chặt, tỉa cây có nguy cơ đổ gãy, Trường THCS Him Lam đã tiến hành trồng thay thế hệ thống cây xanh để đảm bảo không gian xanh của trường.

Những ngày đầu tháng 7, có mặt tại Trường THCS Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) chúng tôi thấy khá ấn tượng bởi không khí trong lành, khuôn viên trường được che phủ bởi màu xanh mát của những hàng cây bàng, xà cừ, vú sữa, phượng, đều có tuổi đời trên dưới 10 năm. Chỉ tay về phía những hàng cây mới được tỉa cành trong khuôn viên trường, thầy giáo Nguyễn Mạnh Thắng, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khuôn viên trường rộng khoảng 15.000m2, có khoảng 60 - 70 cây xanh, trong đó hơn 2/3 là cây trên 10 năm tuổi. Để trồng được một cây xanh như thế này ít nhất phải mất 5 năm. Với cây cho bóng mát, tán rộng xum xuê phải mất 10 - 20 năm. Hơn nữa, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh vẫn phải tới trường học đến giữa tháng 7, thời tiết hiện nay đang nắng gay gắt, nếu cứ theo trào lưu cắt, tỉa trụi cây xanh sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh và cảnh quan môi trường. Do đó, việc chặt bỏ cây cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Cùng với đó, không phải sau tai nạn xảy ra tại một số trường ở trong các tỉnh miền Nam, trường mới cho cắt tỉa cây, mà việc này được duy trì đều đặn. Hàng năm, trước mùa mưa bão, nhà trường đều chủ động rà soát, chặt tỉa cành cao, dài, khô, kiểm tra gốc, rễ của các cây xanh trong khuôn viên để hạn chế mức thấp nhất tình huống nguy hiểm cho học sinh. Vừa qua, theo định kỳ, trường đã rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xanh và tiến hành cắt tỉa cành, chặt bỏ một số cây vú sữa, keo, bạch đàn, phượng bị sâu mục, cây ở vị trí không đảm bảo an toàn gây ảnh hưởng đến tường bao, trường lớp học. Song song với việc chặt bỏ, trường cũng đã trồng thay thế loại cây khác để đảm bảo cảnh quan trong trường”.

Ngoài đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên trong khuôn viên trường, nhà trường còn thường xuyên tiến hành rà soát hệ thống cây xanh ngoài khu vực hành lanh xung quanh trường. Qua đợt rà soát vừa qua, trên đường dọc hành lang phía trước của nhà trường có một hàng cây xà cừ và một số cây khác cao to, ngọn của một số cây đã cao gần bằng hệ thống đường dây điện cao thế, mốt số cây cành xòe ra đường gây cản trở giao thông, 1 cây phay mọc sát tường bao của trường nên rất dễ gây nứt, đổ tường. Để đảm bảo an toàn, nhà trường đã có tờ trình gửi Phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ để thực hiện công tác chặt tỉa cắt ngọn.

Song song với việc chặt, tỉa cây thì công tác chăm bón cây cũng được nhà trường quan tâm và bố trí 1 nhân viên có nhiệm vụ chăm sóc, thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh trong trường. Mặt khác, đây là thời gian cao điểm của mùa mưa bão, thông qua các buổi sinh hoạt tập thể đầu tuần, sinh hoạt lớp, nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức về các biện pháp đối phó, phòng tránh đối với các nguy cơ gây mất an toàn trong mùa mưa bão, như: đổ, gãy cây; đổ tường bao, rào chắn… Thầy Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm: “Để đảm bảo an toàn cho học sinh, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra như trong TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường trong năm học tới sẽ làm hệ thống chống đỡ cây, chống cành như một số trường ở các địa phương khác đã làm”.

Là ngôi trường có bề dày lịch sử, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP. Điện Biên Phủ) có khuôn viên xanh, nhiều bóng mát với đa dạng loại cây. Dưới bóng mát của của những tán cây bàng hơn 10 năm tuổi đã tạo nên một khung cảnh bắt mắt trong khuôn viên trường. Để có được bóng mát cho học sinh, nhiều năm qua, việc chăm sóc và giữ gìn “lá phổi xanh” trong khuôn viên trường luôn được các thầy, cô giáo trong trường chú trọng. Cô giáo Trần Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, cho biết: “Đa phần hệ thống cây xanh trong trường đều có từ thời điểm thành lập trường, nên việc chặt bỏ cây luôn được trường rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến không gian xanh và bóng mát cho các dãy lớp học. Việc kiểm tra gốc, rễ hệ thống cây xanh và tiến hành chặt tỉa cành khô, cành dài, sâu mục có khả năng gây nguy hiểm, bấm ngọn để hạn chế chiều cao được trường thực hiện thường xuyên. Trước đây, trong khuôn viên trường có 2 cây cau cao và nghiêng có khả năng gãy đổ khi vào mùa mưa bão nên trường đã chủ động chặt bỏ để đảm bảo an toàn”.

Theo quan sát của chúng tôi, đa phần cây xanh của trường đều được xây dựng những bồn cây cao và rộng để đảm bảo cho cây có không gian phát triển. Hiện trong khuôn viên trường có 1 cây si có nhiều rễ phụ mọc ra từ thân và cành, trường thường xuyên cắt tỉa rễ phụ hạn chế việc rễ mọc dài ảnh hưởng đến học sinh khi vui chơi. Do là cây được trồng lâu năm, gốc cây khá to nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường có làm một vòng sắt tròn đan lưới từ gốc cây đến khoảng 2/3 thân cây và được trang trí bằng thảm cỏ nhựa để tạo thẩm mĩ cho khuôn viên trường. Riêng với 2 cây bàng có 2 nhánh thân cây mọc ra từ một gốc, trường đã hàn khung sắt vòng quanh 2 thân cây. Cùng với đó, do các em còn nhỏ, hiếu động nên nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em không leo trèo, không ngồi ở các bồn cây… Cũng theo cô giáo Trần Thị Hường, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên và nhân viên, nhà trường đã có phương án khảo sát để làm những trụ đỡ cây bằng sắt cho hệ thống cây trong trường.

Mặc dù mỗi trường học trên địa bàn có một cách làm riêng, nhưng để đảm bảo an toàn cây xanh trong trường học, vừa qua Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ đã có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trong khuôn viên trường và yêu cầu các nhà trường phối hợp với cơ quan quản lý môi trường đô thị, như: Phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng để cắt tỉa, xử lý các cây xanh có nguy cơ đổ gãy, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Thực hiện công văn chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, đã có 53 trường tiến hành rà soát, cắt tỉa cây xanh; 48 trường đã thực hiện cắt tỉa, hạ bớt độ cao với gần 700 cây; chặt hạ 47 cây có nguy cơ đổ gãy.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top