Hướng đi mới cho học sinh tốt nghiệp THCS

12:42 - Chủ Nhật, 06/09/2020 Lượt xem: 6897 In bài viết

ĐBP - Với quan niệm cũ, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS (lớp 9) phải tiếp tục học lên THPT để thi vào một trường đại học, cao đẳng nào đó trong tương lai. Nhưng quan điểm đó đang dần thay đổi bởi sự xuất hiện của mô hình 9+ được xem là giải pháp đột phá trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới. Mô hình này vừa giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giải “bài toán khó” trong công tác tuyển sinh vừa tháo gỡ nút thắt trong phân luồng THPT.

Học sinh hệ 9+ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên trao đổi bài sau giờ lên lớp tại ký túc xá.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này cũng đã thành công ở nhiều nước trên thế giới, như: Đức, Nhật Bản… Tại Điện Biên, mô hình 9+ cũng đã được triển khai và đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Ông Lưu Quang Vũ, Trưởng phòng Đào tạo - Hướng nghiệp và Tư vấn việc làm (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên) cho biết: Từ năm học 2019 - 2020, Trường đã thực hiện đào tạo song song 2 chương trình cho đối tượng học sinh học hết lớp 9: Vừa học văn hóa phổ thông để thi tốt nghiệp THPT vừa học ngành/nghề, ra trường có 2 bằng để đi làm lập nghiệp. Mô hình học song song 2 bằng đã thu hút và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo học sinh và gia đình bởi các em được rất nhiều chế độ ưu đãi, như: Miễn học phí; học sinh người dân tộc thiểu số được hỗ trợ bằng 1 tháng lương cơ bản; được ưu tiên ở ký túc xá… Có thể thấy rằng các em đi học xa nhưng gần như không tốn chi phí của gia đình. Như vậy, nếu xem xét bài toán thiệt hơn giữa việc tiếp tục học lên THPT và chuyển hướng sang mô hình 9+ thì nhiều học sinh và phụ huynh đã lựa chọn phương án 2. Cũng nhờ mô hình này mà việc tuyển sinh hệ trung cấp của của trường năm nay cũng “dễ thở” hơn đôi chút. Những năm gần đây, công tác tuyển sinh luôn là khó khăn chung của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, đặc biệt việc thu hút người học đến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ khi mô hình 9+ ra đời, cùng với nỗ lực của nhà trường đổi mới trong công tác tuyển sinh, như: Thành lập các tổ tuyển sinh đến tận các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh; tăng cường truyền thông trên các mạng xã hội zalo, facebook… trường đã tuyển được 350/255 chỉ tiêu hệ trung cấp. Đến nay, các em đã tới trường đăng ký nhập học và bắt đầu bước vào những môn học đầu tiên của năm học mới.

Trao đổi với nhiều em theo học mô hình 9+, đa số đều cho rằng đây là giải pháp vừa đỡ tốn kém kinh tế vừa rút ngắn thời gian học tập, sớm tham gia làm việc để sống tự lập và có điều kiện phụ giúp gia đình. Em Lò Thị Tuyết, lớp K43C2, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật chia sẻ: Được thầy cô của trường tư vấn tuyển sinh, em thấy theo học mô hình 9+ này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình em. Nếu như học xong THCS em tiếp tục học lên THPT rồi mới học nghề, tìm việc làm thì sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức của gia đình. Nhưng khi học văn hóa song song với học nghề em có thể ra đi làm sớm hơn, và quan trọng nhất là cơ hội học lên cao đẳng, đại học vẫn rộng mở. Sau khi bàn bạc, bố mẹ em nhất trí để em đăng ký theo học hệ 9+, ngành Hành chính - Văn phòng tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên. Tuy nhiên, em cũng đang xin chuyển sang học ngành Chăn nuôi - Thú y để sau này dễ tìm được việc làm hơn.

Mô hình 9+ cũng đang mang tín hiệu vui đến với Trường Cao đẳng Nghề khi mới kết thúc tuyển sinh đợt 1 đã đón 207 học sinh, vượt 100% chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp của năm nay. Ông Đoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cho biết: Qua nắm bắt thông tin, năm nay đa số các em hệ 9+ lựa chọn đăng ký học các ngành kỹ thuật, như: Xây dựng, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô… Bởi các ngành này ra trường thường dễ xin được việc hơn. Còn các ngành khác như kế toán, lâm sinh, hành chính văn phòng… thì các em ít lựa chọn. Với học sinh theo học mô hình này, trường phải nghiên cứu điều chỉnh chương trình phù hợp giữa việc học văn hóa với học nghề để tránh tạo áp lực quá lớn lên học sinh. Việc đưa học sinh đi thực hành tại các cơ sở cũng sẽ là yếu tố quan trọng góp phần củng cố kiến thức lý thuyết, nâng cao tay nghề thực tế. Tuy nhiên, với học sinh hệ 9+, trường cũng đang tính toán làm sao phù hợp với độ tuổi của các em nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top