Hướng tới xây dựng xã hội học tập

16:04 - Thứ Ba, 08/09/2020 Lượt xem: 6413 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đến năm 2020”, thời gian qua, Hội Khuyến học (HKH) TP. Điện Biên Phủ đã triển khai có hiệu quả các mô hình, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, từ đó nâng cao trách nhiệm tham gia xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Khuyến học TP. Điện Biên Phủ khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia năm học 2019 - 2020.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch chuyên trách HKH TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Sau khi triển khai thí điểm Mô hình “Gia đình học tập (GĐHT), “Dòng họ học tập (DHHT)”, “Cộng đồng học tập (CĐHT) tại tổ dân phố 16, 18, phường Mường Thanh, thì hội cũng đã triển khai đại trà tại tất cả các tổ dân phố, bản trên địa bàn thành phố, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân về vai trò của việc học tập để xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Trên cơ sở đó, HKH thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng các mô hình học tập. Trong đó, chú trọng nhân rộng những điển hình trong xây dựng GĐHT, DHHT ở các xã, phường; lồng ghép việc xây dựng GĐHT với xây dựng gia đình văn hóa… 5 năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, hội đã xây dựng được tổ chức hội rộng khắp với 12/12 cơ sở hội, 253 chi hội (trong đó 163 chi hội tổ dân phố, bản; 54 chi hội trường học, 34 chi hội cơ quan, doanh nghiệp; 2 chi hội dòng họ với trên 33.000 hội viên). Đây là nền tảng để phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập lan tỏa rộng khắp.

Là một trong những GĐHT tiêu biểu của địa phương cũng như thành phố, gia đình chị Hoàng Thị Oanh, bản Tà Lèng, xã Thanh Minh thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm. Xác định chỉ có học thì các con chị mới thoát nghèo, chị đã tần tảo lao động và nuôi dạy các con khôn lớn, học hành chu đáo. Ý thức được gia đình mình nghèo, thương mẹ tảo tần nên 3 người con của chị Oanh luôn tự bảo ban nhau cùng cố gắng học hành, đứa lớn chỉ dạy đứa nhỏ, mỗi đứa tự lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập và rèn luyện. Từ sự nỗ lực đó, các con của chị nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi của trường. Đặc biệt, là cô con gái lớn Mai Thị Xuân Huệ, từ năm lớp 9 - 12 đều đạt danh hiệu học sinh giỏinhiều giải cao trong các kỳ thi cấp trường, cấp tỉnh; trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Huệ đã đạt được 25 điểm.

Các con của chị Hoàng Thị Oanh, bản Tà Lèng, xã Tà Lèng luôn bảo ban nhau học tập.

Bên cạnh GĐHT, các DHHT cũng đề cao truyền thống hiếu học, có nhiều hoạt động để động viên con cháu và các thành viên trong dòng họ tích cực học tập và cống hiến. Tiêu biểu như dòng họ Phạm ở tổ dân phố 9, phường Mường Thanh - là dòng họ có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Hiện dòng họ Phạm có 4 thế hệ với 44 thành viên, nhiều người học cao tới tiến sĩ, thạc sĩ. Dòng họ Phạm luôn xác định nền tảng để xây dựng dòng họ hiếu học phải xuất phát từ mỗi gia đình, hội tụ đầy đủ 4 tiêu chí: học tập của trẻ em, học tập của người lớn, điều kiện học tập, tác động hiệu quả học tập, từ đó sẽ khơi dậy truyền thống hiếu học. Bên cạnh đó, từ sâu trong tiềm thức của những người con dòng họ Phạm, việc học đã trở thành một lệ ước thiêng liêng mà mỗi người đều phải cố gắng phấn đấu. Bên cạnh việc khuyên răn con cháu chăm chỉ học hành, dòng họ Phạm còn luôn vận động các thành viên chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương. Bà Phạm Ngọc Tuyết, thành viên dòng họ Phạm, cho biết: “Khi còn sống, điều mà bố tôi mong ở các con là hãy cố gắng học tập, rèn luyện sao cho tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Bố tôi đã giáo dục con cháu bằng chính sự nỗ lực phấn đấu học tập không ngừng nghỉ của bản thân. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên động viên, khích lệ con cháu học tập, tu dưỡng, rèn luyện bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Di nguyện của bố tôi trước khi mất là tiền tiết kiệm, phúng viếng được dùng làm quỹ khuyến học của gia đình. Năm 2004, sau khi bố tôi mất, theo di nguyện của bố, gia đình tôi đã xây dựng quỹ khuyến học với số tiền 39 triệu đồng để hỗ trợ, giúp các cháu trong dòng họ vượt qua khó khăn, khen thưởng cho các em, các cháu đạt thành tích cao trong học tập. Ngoài quỹ khuyến học của dòng họ, các gia đình hạt nhân đều có các hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ các thành viên trong gia đình và dòng họ, lựa chọn hình thức học tập phù hợp với bản thân cũng như giúp đỡ các cháu khó khăn trong dòng họ vượt khó vươn lên trong cuộc sống”.

Từ hai mô hình tiêu biểu trên cho thấy, các mô hình học tập đã giúp mọi người nhận thức đầy đủ hơn về học tập suốt đời và trách nhiệm tham gia xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Từ đó, các gia đình, dòng họ không chỉ động viên con em tích cực học tập mà người lớn cũng tự lựa chọn nội dung, hình thức học tập cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Đồng thời, nhờ việc tích cực học tập giúp các thành viên trong gia đình có kiến thức chăm sóc, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương. Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương, sau 5 năm triển khai các mô hình, đến nay trên địa bàn thành phố đã có trên 17.700 GĐHT, 2 dòng học học tập (trước đây thành phố có 31 dòng họ nhưng từ năm 2017 DHHT được quy định cùng huyết thống nên thành phố chỉ còn 2 dòng họ), 88 đơn vị học tập, 175 cộng đồng học tập. Hàng năm, 95 - 98% gia đình, tổ dân phố bản được công nhận GĐHT, CĐHT, hàng trăm gia đình nông dân, công nhân lao động đăng ký GĐHT, 100% tổ dân phố, bản đăng ký trở thành CĐHT. Kết quả đó là cơ sở để đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Hải (Trường Chính trị tỉnh)
Bình luận
Back To Top