Khi công tác khuyến học được coi trọng

08:53 - Thứ Tư, 09/09/2020 Lượt xem: 5164 In bài viết

ĐBP - Công tác khuyến học tại các xã vùng cao huyện Ðiện Biên một vài năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Khuyến học được quan tâm triển khai bằng nhiều biện pháp từ cấp bản, được các gia đình, dòng họ hưởng ứng. Nhờ vậy giáo dục vùng cao ngày càng có thêm nhiều điểm sáng.

Tại xã Pa Thơm, từ sau đại hội khuyến học cấp xã nhiệm kỳ 2018 - 2023, hàng năm các bản cùng các trường học trên địa bàn ký cam kết đôn đốc, vận động trẻ em trong bản đi học đầy đủ. Người dân các bản, đặc biệt là các bí thư, trưởng bản và các đoàn thể, chi hội có nhận thức cao hơn và trách nhiệm hơn trong việc tạo điều kiện, đưa con em đi học. Ðã có sự thay đổi từ nội tại cộng đồng dân cư đồng bào các dân tộc. Ðể mọi trẻ em đều được đến trường, công tác giáo dục đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền xã cũng cùng vào cuộc tuyên truyền, động viên, đưa các trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó vận động tới trường. Ðối với các nhà trường, mỗi cấp học phân công 1 giáo viên phụ trách 1 bản, thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt thông tin và hoàn cảnh gia đình từng học sinh trong bản để có sự hỗ trợ thiết thực; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình học tập, tâm tư của các em…

Tại bản Xa Cuông, nơi đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống, có 80% hộ nghèo nhưng 100% trẻ em đều được đến trường. Việc theo đuổi con chữ, đến thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống đang ngày càng được bà con ở đây quan tâm đặc biệt. Từ việc trước kia không có con em học lên đến cấp III, tỷ lệ học sinh ra lớp thấp thì đến nay cả bản đã có 15 em đang theo học hoặc hoàn thành học THPT, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Trong bản có không ít học sinh khá, giỏi, đạt giải cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện. Như em Quàng Văn Ðiệp, lớp 9 (gia đình hộ nghèo), đạt giải 3 môn Toán cấp huyện năm học 2018 - 2019. Em của Ðiệp là Quàng Văn Huynh (lớp 7) cũng là học sinh khá, được thầy cô khen ngợi. Ông Lường Văn Chơ, Bí thư bản, phụ trách Chi hội khuyến học cho biết: “Việc cho trẻ em đi học đầy đủ được đưa vào quy ước, hương ước của bản và các dòng họ. Khi có 1 cháu nghỉ học, các thành phần và đoàn thể bản cùng thầy cô giáo đến nhà tìm hiểu, vận động, khuyên nhủ. Gia đình nào để con, cháu bỏ học giữa chừng phải chịu trách nhiệm trước bản. Vì vậy mấy năm trở về đây, trẻ em Xa Cuông chăm chỉ đến trường, các gia đình cố gắng tạo điều kiện cho con em đi học và học lên cao hơn”.

Hiện toàn huyện Ðiện Biên có 21 hội khuyến học cấp xã và 275 chi hội khuyến học cơ sở. Ở các xã vùng lòng chảo thuận lợi, việc học tập đã được quan tâm, thực hiện tốt từ nhiều năm nay. Tại các xã vùng cao, trước đây do khó khăn và nhận thức người dân nên việc học chưa được coi trọng. “Hội Khuyến học huyện và các xã đã làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò của học tập suốt đời đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Cùng với sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Ðào tạo, tích cực tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương mà đã dần thay đổi tư duy của người dân. Các xã đều quan tâm đến công tác khuyến học, hàng năm tổ chức cho các bản đăng ký mô hình học tập, các danh hiệu học tập; hướng dẫn đưa nội dung khuyến học vào quy ước, hương ước của bản và dòng họ; khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt; việc cho con em đi học trở thành một trong những tiêu chí bình xét gia đình văn hóa… Vì vậy xuất hiện những cộng đồng học tập, gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu như dòng học Vàng (xã Mường Nhà), dòng họ Mùa (xã Hua Thanh)…” - ông Nguyễn Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ðiện Biên cho biết.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top