Cần biến smartphone thành công cụ học tập hiệu quả

10:22 - Thứ Hai, 28/09/2020 Lượt xem: 4959 In bài viết

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, có nội dung được hiểu là cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Vấn đề này đang có nhiều ý kiến trái chiều. 

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành “Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học” có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2020. Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, có nội dung được hiểu là cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Vấn đề này đang có nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện một số trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết đang chờ hướng dẫn thực hiện của cấp quản lý.

Điều 37 của Thông tư 32 quy định những hành vi học sinh không được làm, trong đó tại khoản 4 nêu rõ học sinh không được “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Quy định cũ trước đây là cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Ở quy định mới, trong giờ học, học sinh vẫn không được phép sử dụng điện thoại, nhưng các em được sử dụng điện thoại trong trường học, khi giáo viên cho phép và chỉ phục vụ cho việc học tập.

Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, ở một giờ học cụ thể hay một hoạt động học cụ thể, nếu giáo viên thấy việc sử dụng điện thoại đáp ứng tốt cho việc khai thác các tư liệu học tập để học sinh thực hiện các hoạt động học tốt hơn thì giáo viên có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại.

Qua tìm hiểu, được biết những ngày qua, một số Phòng GD-ĐT và trường học tổ chức họp để thảo luận về vấn đề này, nhưng hiện vẫn chủ yếu thực hiện nội dung quyền quyết định của giáo viên cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại.

Theo thầy Hồ Thanh Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), từ trước đến nay nhà trường không cho học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường học. Giờ có văn bản của Bộ GD-ĐT cho sử dụng điện thoại trong trường học, thì cấm cũng không được, mà là chưa cho phép sử dụng.

 “Chưa có hướng dẫn thì trường chưa cho phép sử dụng. Chừng nào thầy cho phép thì các em được sử dụng điện thoại, đây cũng là nội dung được quy định trong Thông tư 32”, thầy Danh cho biết đã sinh hoạt cho học sinh trong trường như vậy.

Hiện quy định này cũng đang gặp khó khăn, không cho sử dụng cũng không được mà cho thì chưa thể quản lý được nên việc này nhà trường sẽ họp bàn cụ thể. Nhà trường sẽ xem tình huống nào thì học sinh được đem điện thoại vào trường, như dịp lễ hội hoặc tiết học nào giáo viên cho phép thì mới được đem điện thoại vào. Hiện giáo viên cũng đang phân vân chưa ngã ngũ vấn đề này.

Việc áp dụng công nghệ trong học tập là đúng, như trong thời gian dịch bệnh COVID-19, các em cũng sử dụng điện thoại để học tập. Đấy là dịch bệnh các em không đến trường mà ở nhà học thì phụ huynh quản lý được. Còn việc cho học sinh đem điện thoại vào trường thì cần có hướng dẫn cụ thể. “Nhà trường có sinh hoạt với học sinh là ý thức sử dụng công nghệ của các em chưa tốt thì thầy chưa cho sử dụng. Chừng nào các em làm tốt, sử dụng đúng mục đích thì mới cho dùng điện thoại trong trường”, thầy Danh chia sẻ.

Nhiều trường băn khoăn, trong chương trình học, cũng có môn cần để học sinh tra cứu tài liệu, nhưng trên mạng có những thông tin không chính thống, mà chưa quản được chính thống thì làm sao học sinh tra cứu được và trang nào là chính thống để học sinh tra cứu?

Nhiều người cũng cho rằng, để học sinh mở điện thoại, giáo viên không thể kiểm soát được các em mở cái gì, màn hình điện thoại bây giờ quét qua quét lại, nhiều khi giáo viên đến thì học sinh mở màn hình khác, khi thầy cô đi thì học sinh lại mở mà màn hình khác thì làm sao biết được.

Về mạng wifi thì trong trường không thể mở cung cấp cho toàn thể học sinh sử dụng được, còn nếu học sinh sử dụng 3G, 4G thì gia đình không thể quản lý nổi khi hết giờ học ở trường. Hiện quy định cũng mới chung chung, cần có hướng dẫn cụ thể thì các trường mới dám thực hiện.

Thầy Danh đề xuất: “Bây giờ có thể áp dụng như vầy, giáo viên dặn bài này đem về nhà, học sinh về tra cứu ở trang đó để học thì được. Còn bây giờ kêu học sinh mở điện thoại tra thì chưa chắc các em tra đúng yêu cầu của giáo viên”.

Bên cạnh đó có nhiều hệ luỵ từ việc đem điện thoại vào trường như bạn thì điện thoại xịn và không xịn, rồi xảy ra mất mát thì ai quản, kiếm ai đổ thừa cho ai? Đó là chưa kể nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không mua được điện thoại thông minh, sẽ tạo cho các em sự tủi thân, có em lại đua đòi về nhà yêu cầu cha mẹ mua điện thoại để bằng bạn bằng bè…

Cần biến điện thoại thông minh thành công cụ học tập hiệu quả.

Thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, bây giờ thời đại công nghệ cũng không thể cấm các em sử dụng điện thoại được, nhưng trong giờ học thì không cho học sinh sử dụng.

 Nếu học sinh nào cần thiết liên hệ với gia đình thì xin phép giáo viên rồi ra phòng giám thị gọi điện thoại cho gia đình.

“Cũng có cái khó là những trường hợp học sinh hoàn cảnh khó khăn không mua được điện thoại thông minh thì rất khó áp dụng đồng bộ được. Những học sinh này sẽ mặc cảm, dễ tủi thân, tội nghiệp các em đó. Nếu áp dụng chung mà các em này không có điện thoại để làm bài mà rớt lại thì cũng khó. Còn nếu khai thác tài liệu trên máy tính của trường thì các em như nhau”, thầy Khoa cho biết.

Về vấn đề này, theo thầy Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED, việc cho học sinh sử dụng smartphone trong lớp, nhất là học sinh từ THCS trở lên thì cha mẹ và thầy cô phải biết cách quản lý.

Thầy Giản Tư Trung cho biết, tại một số trường học ở các nước, từ cấp hai, nhà trường cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp để tìm kiếm thông tin khi giáo viên cho phép, nhiều khi thảo luận về một vấn đề nào đó của môn học, học sinh lên mạng tìm thông tin. Đây cũng là điều tốt để rèn luyện kỹ năng tìm thông tin, tăng cường tính tự học, không phải cái gì cũng thuộc lòng, mà cần vấn đề nào thì tìm để thảo luận với nhau ngay lập tức, đây là điều tốt.

Tuy nhiên, trường hợp học sinh quá nhỏ để làm chủ công cụ đó, có trường thực hiện rất hay, đó là khi vào lớp tất cả học sinh phải nộp điện thoại cho giáo viên, đến giờ học nào cần sử dụng thì giáo viên sẽ đưa điện thoại cho học sinh. Sử dụng xong tiết học đó thì nộp trở lại cho giáo viên, đến khi về thì giáo viên trả điện thoại cho học sinh đưa về nhà, khi về nhà thì cha mẹ quản lý. Học sinh chỉ sử dụng trong giờ học cần thảo luận, không phải sử dụng cả ngày. Còn nếu phụ huynh cần liên lạc với con thì phải liên hệ với nhà trường, việc này từ trước đến nay các trường vẫn thực hiện.

Trước giờ con không có điện thoại, cha mẹ và con cái vẫn liên lạc với nhau được, đó là thông qua nhà trường. Không thể để cho học sinh cầm điện thoại suốt ngày trong lớp học, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập không chỉ của bản thân mà của cả lớp. Đó là chưa nói đến việc các em mất tập trung khi có cuộc gọi, tin nhắn và có khi nhắn tin hẹn đánh nhau…

Để việc học sinh sử dụng hiệu quả điện thoại trong trường học, nhà trường và gia đình cần dạy các em khai thác thông tin trên mạng chứ không thể cấm hoàn toàn, vì càng cấm các em càng tò mò và muốn sử dụng. Do đó, cần giáo dục giới tính và trang bị kiến thức cho các em để tránh vào các trang web “đen”, các cộng đồng mạng không lành mạnh, tránh chơi game,… dễ bị lừa đảo mà học sinh nhỏ chưa thể đối phó được.

“Cần biến smartphone thành công cụ học tập hiệu quả, nâng cao khả năng tiếp nhận kiến thức và khai thác tri thức trên môi trường internet để phục vụ việc học và trong cuộc sống. Tất nhiên là ở trường và về nhà đều phải quản lý chặt các em, giờ nào cho sử dụng điện thoại, giờ nào không cho sử dụng”, thầy Trung chia sẻ.

Cho chọc sinh sử dụng điện thoại nhưng phải có người lớn đồng hành, tức là vừa cho các em sử dụng điện thoại, vừa giám sát và hướng dẫn các em sử dụng đúng mục đích cũng nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top