Tạo điều kiện để giáo viên đạt trình độ chuẩn

08:51 - Thứ Sáu, 02/10/2020 Lượt xem: 7782 In bài viết

ĐBP - Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó có yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp. Theo đó, giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải tốt nghiệp cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Ðể đáp ứng điều kiện trên, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho giáo viên.

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Ðức Linh

Ngay sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, Sở GD&ÐT đã khẩn trương rà soát, xác định đối tượng giáo viên phải tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn. Theo đó, toàn tỉnh hiện còn hơn 2.380 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định mới (chiếm 19,4%), trong đó: Cấp mầm non 406 giáo viên, cấp tiểu học 1.503 giáo viên, cấp trung học cơ sở 471 giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết: Căn cứ vào đối tượng, nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên và thực tiễn ở từng cơ sở giáo dục, Sở đang tiến hành khảo sát, xây dựng tiêu chí trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ xác định đối tượng, số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tham gia đào tạo của từng năm đáp ứng chỉ tiêu đào tạo của cả giai đoạn 2020 - 2025, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm. Mặt khác, Sở cũng lựa chọn cơ sở đào tạo, xác định hình thức đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo cho cơ sở đào tạo giáo viên được lựa chọn. Trên cơ sở kế hoạch hàng năm, Sở sẽ hướng dẫn phòng GD&ÐT các huyện, thị, thành phố phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND cấp huyện xây dựng phương án và có giải pháp bố trí, sắp xếp, điều tiết, phân công nhiệm vụ cho giáo viên hợp lý giữa các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo nguyên tắc có đủ giáo viên giảng dạy trong bối cảnh thiếu giáo viên giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học. Ðồng thời, tham mưu bố trí nguồn kinh phí, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc đào tạo cho từng năm, giai đoạn và cả lộ trình; đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên và thực hiện công tác truyền thông tạo sự đồng thuận trong đội ngũ. Khi giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật đối với sinh viên sư phạm); được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Sở sẽ xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ sở đào tạo nắm bắt thông tin thường xuyên của giáo viên trong suốt quá trình triển khai thực hiện đào tạo nâng chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đào tạo của từng năm, từng khóa để kịp thời điều chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc.

Chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, thời gian qua, nhiều trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thầy Hoàng Văn Nghị, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lèng (xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà) cho biết: Năm học 2020 - 2021, Trường còn 7 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo yêu cầu. Ðể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thời gian tới Trường sẽ tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao trình độ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top