Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

08:30 - Thứ Ba, 06/10/2020 Lượt xem: 7950 In bài viết

ĐBP - Xác định rõ vai trò đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong bữa ăn hàng ngày ở trường cho học sinh, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ luôn chú trọng, quan tâm thực hiện nghiêm các điều kiện đảm bảo ATTP, đặc biệt là ở các trường có tổ chức nấu ăn bán trú.

Nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Thanh Bình chuẩn bị bữa ăn cho trẻ.

Năm học 2020 - 2021, Trường Mầm non Thanh Bình có 8 lớp với 220 trẻ, trung bình mỗi ngày gần 200 trẻ ăn bán trú tại trường. Với độ tuổi còn nhỏ, các em ăn tại trường từ 2 - 4 bữa/ngày, vì vậy việc đảm bảo ATTP càng được quan tâm hơn. Các bữa ăn của trẻ ngoài yếu tố đủ dinh dưỡng phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, ATTP. Dẫn chúng tôi tham quan khu bếp của trường, cô giáo Lê Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để đảm bảo vệ sinh, ATTP, khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt: Khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn, khu để thức ăn chín… Thiết bị, đồ dùng nhà bếp, như: tủ lưu mẫu thực phẩm, tủ sấy bát, tủ cơm, tủ bảo quản thức ăn... được trang bị đầy đủ. Nhà trường đã lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Hàng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm đều ghi sổ có sự giám sát chặt chẽ của ban giám hiệu, cán bộ y tế, thủ kho và nhà bếp. Bếp ăn của nhà trường có 2 nhân viên nấu ăn đều được tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP, khám sức khỏe định kỳ, có kiến thức về sơ chế, nấu ăn. Trong quá trình chế biến, nhân viên nhà bếp luôn tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh, ATTP. Đặc biệt, công tác kiểm thực được thực hiện theo đúng 3 bước và lưu mẫu một cách nghiêm ngặt, đúng định lượng, đúng thời gian quy định, có chữ ký người lưu, dán niêm phong. Bên cạnh đó, nhà trường luôn công khai thực đơn, bữa ăn của trẻ ở từng lớp để phụ huynh biết và kiểm tra hàng ngày”. Thực hiện quy trình chặt chẽ, nghiêm túc trong quá trình chế biến cũng như kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào nên nhiều năm qua, Trường Mầm non Thanh Bình không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Còn tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, năm học này, trường tổ chức ăn bán trú cho khoảng 350 học sinh theo nhu cầu, sự đồng thuận của các bậc phụ huynh. Cô giáo Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Khu bếp ăn của trường được đầu tư xây dựng với diện tích 60m2, khu vực chế biến 20m2 đảm bảo nguyên tắc bếp một chiều, cách biệt khu vực gây ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh môi trường”. Theo quan sát của chúng tôi, không gian, diện tích bếp của trường được phân chia thành 3 khu riêng biệt và có nội quy nhà bếp, hướng dẫn kiểm thực 3 bước, quy trình về nhập và chế biến thực phẩm, sơ đồ bếp ăn 1 chiều... Bên cạnh đó, bếp được trang bị đủ các phương tiện, dụng cụ, đồ dùng nhà bếp, như: bếp ga, tủ ga nấu cơm, tủ sấy bát, tủ lạnh, bếp ga công nghiệp, máy xay thịt, bàn chế biến thực phẩm sống, bàn chia thức ăn chín… đều đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Nước uống phục vụ sinh hoạt cho giáo viên và học sinh toàn trường được nhập của cơ sở nước suối khoáng Huape có giấy chứng nhận ATTP do Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh cấp. Lương thực, thực phẩm được nhà trường lựa chọn nhập từ các cơ sở có đủ điều kiện chứng nhận ATTP. Nhân viên cấp dưỡng đều có kinh nghiệm, kỹ năng thực hành bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm; được trang cấp đầy đủ trang phục nhà bếp hợp vệ sinh và thực hiện nghiêm túc trong quá trình chế biến tại bếp ăn. Việc lưu mẫu thức ăn được nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc theo quy định. Để đảm bảo bữa ăn cho học sinh, trường đã thành lập Ban Quản lý bán trú (gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, kế toán, thủ kho, đại diện hội cha mẹ học sinh, tổ trưởng tổ nuôi dưỡng, nhân viên tiếp phẩm) và Tổ kiểm tra công tác bán trú đúng đủ các thành phần (gồm: Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Trưởng ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh, đại diện công đoàn, giáo viên chủ nhiệm). 2 tổ chức này thực hiện kiểm tra định kỳ trung bình 1 lần/tháng và kiểm tra đột xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, quy trình nấu nướng, phục vụ bữa ăn…

Bà Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Năm học 2020 - 2021, toàn thành phố có 26 trường mầm non, 18 trường tiểu học, tiểu học - THCS, với 9.324 học sinh ăn bán trú, 288 trẻ nội trú. Với phần lớn thời gian và số bữa ăn trong ngày diễn ra tại trường học, học sinh cần có thực đơn dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và quan trọng hơn hết là đảm bảo ATTP. Ngay đầu năm học, Phòng GD&ĐT nghiêm túc triển khai tổ chức và đề cao công tác kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú cho học sinh. Hàng năm, chủ động phối hợp với Chi cục Vệ sinh ATTP tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, kế toán, y tế, nhân viên nấu ăn những kiến thức cơ bản về ATTP; chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức bếp ăn bán trú theo đúng quy trình, quy định và yêu cầu lựa chọn hợp đồng với các cơ sở cung ứng lương thực, thực phẩm có tên trong danh mục đảm bảo ATTP do Chi cục Kiểm định chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cung cấp. Phòng GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các trường việc thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo ATTP; chỉ đạo các trường huy động sự giám sát của cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ học sinh giám sát chất lượng, nguồn gốc, giá cả thực phẩm, việc thực hiện vệ sinh trong quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, tổ chức bữa ăn cho trẻ.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top