Điểm chuẩn cao, vẫn nhiều cơ hội vào đại học

11:07 - Thứ Tư, 07/10/2020 Lượt xem: 6273 In bài viết

Điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) đại học bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng bất ngờ và vượt quá xa dự báo. Nếu như những năm trước, điểm chuẩn nhóm ngành sức khỏe (y đa khoa, răng hàm mặt, dược học) luôn dẫn đầu thì năm nay bị xóa ngôi, bởi một số ngành khoa học xã hội có điểm chuẩn từ 28 đến 30 điểm. Dù điểm chuẩn cao ngất ngưởng ở nhiều ngành hot, nhưng ngược lại nhiều ngành, thậm chí ngành nhu cầu xã hội rất cần, điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn xét tuyển nhưng vẫn thưa thớt thí sinh đăng ký. 

Điểm chuẩn chót vót không còn là ngành y

Điểm nổi bật năm nay là nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học xã hội điểm chuẩn tăng đột biến. Cụ thể, nhóm ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật ô tô thu hút thí sinh rất lớn. Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn vào tất cả các ngành đều tăng so với mức điểm chuẩn năm ngoái từ 2 đến gần 3 điểm. Trong đó, ngành Khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm. Kế tiếp là ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô 27,5 điểm. Cùng với đó, những ngành như Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học máy tính (chất lượng cao) kỹ thuật cơ điện tử đều từ 27 điểm trở lên. 

Thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học ngày 6-10 tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Mặt bằng điểm chuẩn Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố tăng so với năm ngoái, trong đó một số ngành chương trình đại trà có điểm khá cao: Kỹ thuật phần mềm 27,7 điểm; Khoa học máy tính 27,2 điểm; Khoa học máy tính (hướng trí tuệ nhân tạo) 27,1 điểm; Công nghệ thông tin 27 điểm... Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, điểm chuẩn hầu hết các ngành đều tăng mạnh, trong đó, ngành Robot và trí tuệ nhân tạo điểm cao nhất là 27. 

Nhóm ngành kinh tế năm nay điểm chuẩn cũng nhảy vọt ở các ngành Kinh doanh quốc tế, Marketing, Kinh tế đối ngoại. Nhiều trường điểm chuẩn những ngành này dẫn đầu với mức từ 26 đến 28 điểm. 

Ngay cả hội đồng tuyển sinh của Trường ĐH Luật TPHCM cũng bất ngờ với điểm chuẩn năm nay của trường. Đây là trường có mức điểm chuẩn tăng mạnh nhất so với năm 2019, tăng từ 6 đến 8 điểm. Cụ thể, ngành Ngôn ngữ Anh tăng 6 - 8 điểm, ngành Luật tăng 5,5 - 7 điểm, Quản trị kinh doanh tăng 6 - 7,5 điểm. Những ngành khác như Quản trị luật, Luật thương mại quốc tế tăng 3 - 4 điểm; Luật thương mại quốc tế 3,5 - 6,5 điểm.

Thí sinh trúng tuyển vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM đang được hướng dẫn điền thông tin xin nhập học. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), ngành Báo chí tổ hợp C00 có điểm chuẩn cao nhất với 27,50. Điểm chuẩn thấp nhất là 20 điểm (ngành Ngôn ngữ Nga). Điểm chuẩn năm nay của trường tăng mạnh, các ngành có điểm chuẩn từ 24 trở lên có đến 23/38 ngành tuyển sinh (hơn 60%). Đặc biệt, có 10 ngành điểm chuẩn từ 26 trở lên (26%). Ngành Quản trị văn phòng tuyển sinh khóa đầu tiên nhưng điểm chuẩn đã đạt 26 điểm.

Bất ngờ lớn nhất là điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn tuyệt đối 3 môn là 30 điểm. Kế đến là ngành Đông phương học với điểm chuẩn 29,75 điểm, ngành Quan hệ công chúng 29 điểm, ngành Báo chí và Khoa học quản lý có điểm chuẩn 28,5 điểm. Như vậy, đây là trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước. Trong khi đó, điểm chuẩn ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt của 2 trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược TPHCM cũng chỉ lần lượt 28,65 và 28,45 điểm. 

Những nghịch lý 

Cùng với ngành điểm chuẩn quá cao thì theo đó cũng có nhiều ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn xét tuyển (điểm chuẩn thấp nhất) nhưng vẫn không có thí sinh hoặc chỉ có vài thí sinh trúng tuyển.

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, dự kiến sẽ ngừng tuyển sinh 2 ngành Khoa học thủy sản (60 chỉ tiêu) và Công nghệ vật liệu (50 chỉ tiêu). Nguyên nhân, dù có nhiều phương thức tuyển sinh nhưng đến nay 2 ngành này có số lượng thí sinh đăng ký quá ít so với chỉ tiêu. Thống kê cho thấy, mỗi ngành chỉ có khoảng 30 nguyện vọng (NV) đăng ký nhưng hầu hết là NV 3,4. Số lượng như vậy là quá ít, chưa kể thí sinh đã có thể trúng tuyển NV 1,2. Hai ngành này nhiều năm đã rất khó tuyển sinh. Trong khi đó, ngành Công nghệ thực phẩm có đến 2.746 NV, Quản trị kinh doanh 2.704 NV, Kế toán 2.535 NV, Công nghệ thông tin 1.936 NV. 

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), dù điểm chuẩn nhiều ngành tăng nhưng vẫn có nhiều ngành rất ít thí sinh trúng tuyển. Những ngành khó tuyển của trường mặc dù hiện tuyển chưa đủ chỉ tiêu, nhưng nhà trường vẫn xác định điểm chuẩn cao hơn điểm sàn với dự kiến là 17 điểm (mức điểm thấp nhất của trường). Nếu lấy bằng mức điểm sàn cũng không có thêm thí sinh nên trường quyết định mức điểm như vậy. Ba ngành khó tuyển nhất của trường là Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học.

Hay như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dù nhiều ngành điểm chuẩn rất cao nhưng vẫn có một số ngành không tuyển được, như Thiết kế thời trang chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Điện tử viễn thông - chất lượng cao Việt - Nhật, ngành Môi trường - chất lượng cao dù điểm chuẩn bằng sàn (19,5 điểm) vẫn không tuyển được. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng có nhiều ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn và có thể sẽ xét tuyển bổ sung. 

Theo các chuyên gia, điểm chuẩn tăng cao ngất là điều đã dự báo từ trước, bởi các nguyên nhân sau: đề thi tốt nghiệp THPT dễ hơn năm trước, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển (xét học bạ, tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực, xét học bạ kết hợp thi năng khiếu…) nên chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ ít hơn.

Các trường có thể bắt đầu xét tuyển bổ sung sau ngày 10-10

Ngày 6-10, Bộ GD-ĐT cho biết, trước 17 giờ ngày 5-10, tất cả các trường đã công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch tuyển sinh đại học năm 2020 của Bộ GD-ĐT. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 10-10 (theo dấu bưu điện).

Theo số liệu sau khi lọc ảo (từ ngày 2 đến 4-10), hiện có 165 đơn vị, chiếm 53,57% tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này là 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh). Tuy nhiên, có hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Ngoài ra, còn khá nhiều trường, ngành xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau. Việc làm này tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1 (thực tế, năm nay có nhiều thí sinh thi đạt 9 điểm/môn vẫn bị trượt đợt 1).

Bộ GD-ĐT yêu cầu, sau khi hoàn tất xét tuyển đợt 1, kể từ ngày 10-10, nếu trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu (có thể do ít hồ sơ nộp vào hoặc có thể do nhiều thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học) thì có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần.

Hiện nay, đã có một số trường công bố lịch xét tuyển bổ sung. Bộ GD-ĐT lưu ý các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp. Những trường hợp vi phạm nguyên tắc này, Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ nắm bắt để kịp thời nhắc nhở, cảnh cáo, đảm bảo quyền lợi thí sinh và công bằng tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT khuyến cáo, thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào, có thể căn cứ vào các thông tin do trường công bố để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.

 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top