Góc nhìn – Tiêu điểm

Nặng nhẹ chuyện học vỡ lòng

08:06 - Thứ Bảy, 10/10/2020 Lượt xem: 7433 In bài viết

ĐBP - Thay vì chỉ có một bộ sách, năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 cho phép các trường lựa chọn một trong số những bộ sách do Bộ Giáo dục và Ðào tạo phê duyệt như: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Cánh diều. Ðến nay, nhiều phụ huynh học sinh lớp 1 đã than phiền, cảm thấy lo lắng về kiến thức sách giáo khoa mới. Ðặc biệt là môn Tiếng Việt quá nặng, sách quá nhiều chữ, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh; nhiều nội dung học chữ, thuộc chữ, viết chữ... được tích hợp trong cùng một bài.

Theo chương trình mới ở môn Tiếng Việt, ngay từ tuần đầu tiên ở một số bộ sách, học sinh đã phải học thanh điệu, ghép vần. Những năm trước, học sinh học tối đa 2 âm, vần. Năm nay số lượng tăng lên 3, thậm chí 4. Ví dụ, năm học 2019 - 2020, vần “em”, “êm” trong một bài học; vần “im”, “um” thuộc nội dung bài khác. Với sách giáo khoa hiện tại, học sinh học cả 4 vần trong một bài. Bên cạnh đó, chương trình mới học âm, học vần quá nhanh. Như bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” yêu cầu hết tuần 15 (chưa hết học kỳ 1), học sinh phải học hết âm, vần, đọc lưu loát đoạn văn…

Ngoài nội dung kiến thức được cho là quá nặng so với học sinh lớp 1, thì thời lượng môn học cũng tăng lên so với trước đây. Theo môn Tiếng Việt 1 ở bộ sách giáo khoa mới có thời lượng 420 tiết (chương trình cũ chỉ có 350 tiết). Cụ thể, với sách giáo khoa lớp 1 trước đây, chương trình môn Tiếng Việt có 10 tiết/tuần, 23 tuần thì xong học vần; chương trình hiện nay là 12 tiết/tuần, tức thời lượng của môn Tiếng Việt đã tăng lên 20% so với chương trình trước đây.

Việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới lớp 1 đến nay mới được 1 tháng, chưa có đầy đủ căn cứ để đánh giá là nặng hay không mà chủ yếu phản ánh từ phía phụ huynh học sinh. Sẽ là quá sớm để nói đến hiệu quả nhưng có một thực tế là hiện nay nhiều học sinh lớp 1 đang  “đánh vật” với kiến thức trong các bộ sách giáo khoa mới. Thậm chí ngay cả một số giáo viên tại địa bàn thành phố, những nơi có điều kiện thuận lợi cũng cho rằng chương trình sách giáo khoa mới không chỉ nặng về kiến thức mà còn khó dạy hơn so với những năm trước. Vì vậy, với chương trình mới này nếu học sinh không được làm quen trước khi vào năm học hoặc không đi học thêm sẽ rất khó để theo kịp; nhất là đối với học sinh vùng cao, vùng sâu, điều kiện học hành còn thiếu thốn.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top