Những “bông hoa đẹp” gieo chữ nơi cực Tây Tổ quốc

08:09 - Thứ Bảy, 10/10/2020 Lượt xem: 7676 In bài viết

ĐBP - Lỉnh kỉnh hành trang mỗi khi về trường, từ sách vở, đồ dùng học tập, cân cá khô, rau xanh... đã gắn liền với thanh xuân của biết bao cô giáo nơi biên viễn xa xôi Mường Nhé. Dù cuộc sống còn nhọc nhằn, gian khó nhưng họ sẵn sàng hi sinh để bám trường, bám lớp, ươm mầm tri thức, thắp sáng tương lai cho nhiều thế hệ...

Tiết học của cô và trò Trường Mầm non Mường Toong (huyện Mường Nhé).

Như lời hẹn với cô giáo Ðỗ Thị Ái Xuân, Trường Phổ thông DTBT - THCS Nậm Kè, sớm tinh mơ khi cơn mưa rừng vừa dứt, tôi đã ngược gần 40km về xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé). Dù đang tất bật chuẩn bị đồ dùng lên lớp, nhưng cô Ðỗ Thị Ái Xuân vẫn dành cho tôi chút ít thời gian để tâm sự về sự nghiệp “trồng người” trên vùng đất khó.

Sinh ra và được mảnh đất Ðiện Biên Phủ anh hùng nuôi lớn trưởng thành, năm 2009 sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, cô Xuân tình nguyện lên vùng cao Mường Nhé và được phân công về Trường THCS Nậm Kè (này là Trường Phổ thông DTBT - THCS Nậm Kè) để “gieo chữ”. Cô Xuân bộc bạch: “Ngày ấy, tôi vừa tròn 20 tuổi. Con đường đến với học trò vùng cao không như trí tưởng tượng của tôi. Không biết tiếng địa phương; không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại... mọi thứ khó nhọc, gian truân lắm! Nhiều khi ngồi khóc một mình trong căn phòng tập thể bé xíu, tôi chỉ muốn bắt xe về ngay với cha mẹ. Thế rồi, thương đàn trẻ nhỏ lại thôi.” Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, bao năm qua cô Xuân đã ở lại bám trường, bám lớp, vượt khó khăn xuống từng hộ gia đình để vận động học sinh ra lớp.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao, tôi đã tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức; đổi mới phương pháp làm việc để vững hơn trong nghề. Ðặc biệt, từ thực tiễn, tôi đã có nhiều đề tài sáng kiến, được công nhận và áp dụng vào công tác giảng dạy. Ðơn cử như, năm học 2017 - 2018, sáng kiến “Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học môn giáo dục công dân ở Trường PTDTBT - THCS Nậm Kè” được Hội đồng Sáng kiến Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đánh giá cao và áp dụng hiệu quả trong các trường THCS. Không chỉ “cõng” chữ lên non, với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, cô Ðỗ Thị Ái Xuân nhiều năm liền được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. 

Ðiểm đến tiếp theo của tôi là Trường Mầm non Mường Toong. Ngôi trường khang trang, luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng hát líu lo của trẻ nhỏ. Ở đó, cô Phạm Thu Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Toong - một trong những người đặt “nền móng” cho sự nghiệp giáo dục Mường Nhé vẫn đang hăng say “tiếp lửa” cho nhiều thế hệ giáo viên vùng cao. Nhớ lại những ngày đầu gian khó, cô Phạm Thu Phương chia sẻ: Hồi đó (năm 2003), rời Thủ đô Hà Nội, tôi quyết tâm lên với trẻ nhỏ Ðiện Biên. Khi đến Trường THCS Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (trước đây thuộc huyện Mường Nhé) tôi lặng người vì khung cảnh sơ sài, trường lớp tạm bợ bằng tranh, tre, nứa lá trống hoác, nơi ăn, chốn ở của giáo viên không có… phần nào làm tôi nản lòng.

Qua nhiều ngày đêm đấu tranh tâm lý nên ở hay đi, cuối cùng tôi quyết tâm ở lại bám trường, bám lớp, gắn bó với người Thái, người Mông trên vùng đất khó này. Chứng kiến những đứa trẻ nghèo vì muốn được học chữ mà phải cuốc bộ hàng chục cây số dầm mưa dãi nắng dắt nhau đến lớp đã thôi thúc tôi gắn bó hơn với mảnh đất vùng cao.

Sau hơn 12 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, đưa Trường Mầm non Chà Tở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; cô Phạm Thu Phương tiếp tục đến Mường Nhé. Năm 2017, khi về nhận công tác tại Trường Mầm non Mường Toong, trên cương vị Hiệu trưởng, cô Phương đã lặn lội xuống từng bản, từng hộ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh học sinh; đồng thời tuyên truyền, vận động đưa các em ra lớp, có những lúc lưng cõng một em, tay dắt một em, bấm mũi chân trần trên con đường lầy lội, trơn nhầy, đưa các em đến lớp. Ðặc biệt, để các em được học dưới mái trường khang trang, sạch đẹp, cô Phương đã cùng với tập thể sư phạm nhà trường vận động nhân dân bản Mường Toong 2, bản Yên hiến hơn 1.000m2 đất để xây dựng nhà trường. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ gần 800 triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường (Hiện nhà trường đã “xóa” thành công lớp học dột nát; 22 phòng học kiên cố, còn lại bán kiên cố, lắp ghép; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 98%). Bằng sự nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng nghỉ, năm học 2020 - 2021 Trường Mầm non Mường Toong tiến hành kiểm định chất lượng cấp độ 2 và phấn đấu được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Cô Ðỗ Thị Ái Xuân và Phạm Thu Phương chỉ là 2 trong số 653 “bông hoa đẹp” đã và đang mang bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tri thức thắp sáng nơi cực Tây Tổ quốc. Thầy Phạm Thiết Chùy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé chia sẻ: Lên với Mường Nhé đa phần là giáo viên trẻ, nhưng bằng tình yêu nghề và trên hết là vì thế hệ tương lai trẻ thơ vùng cao, họ đã tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân để bám bản gieo chữ. Ðặc biệt, dù là phái đẹp nhưng cũng như cánh mày râu, để xây dựng nhiều ngôi trường vững chãi, cheo leo giữa đại ngàn, các cô cũng cùng gồng mình gánh cát, gánh đá vượt hàng chục ki lô mét vượt suối, băng rừng để xây trường, các điểm trường, tạo sân chơi, môi trường lành mạnh kích thích sự chuyên cần của trẻ nhỏ vùng cao. Toàn ngành Giáo dục và Ðạo tạo Mường Nhé hiện có 38 trường, 16.399 học sinh, 15 trường đạt chuẩn quốc gia.

Chia tay Mường Nhé nhưng hình ảnh những cô giáo vùng cao cứ đọng mãi trong tôi. Dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn là những “bông hoa đẹp” kiên cường trên mặt trận giáo dục, gánh vác trên vai nhiệm vụ nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang là “trồng người” nơi biên cương.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top