Để triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

09:54 - Thứ Năm, 15/10/2020 Lượt xem: 7290 In bài viết

Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT, SGK GDPT) mới được tiến hành xây dựng từ năm 2014, theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội (Nghị quyết 88). Kết quả, đến năm học 2020-2021, CT, SGK GDPT mới được đưa vào dạy học bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng đưa vào dạy học đã bộc lộ một số vấn đề khiến dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), quy trình xây dựng chương trình, biên soạn SGK được quy định bài bản, kỹ lưỡng. Quá trình triển khai đã tổ chức đánh giá ưu điểm, hạn chế, bất cập của SGK hiện hành, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong tổ chức, biên soạn SGK mới. Mặt khác, khi thẩm định SGK lớp 1 để đưa vào dạy học từ năm học 2020-2021, Bộ GD và ĐT đã ban hành các quy định tiêu chuẩn, trong đó, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK sẽ phải đăng ký và nộp bản mẫu SGK đến nhà xuất bản. Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK, thực nghiệm SGK, sau đó Bộ GD và ĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK.

Quá trình tổ chức thẩm định, Bộ GD và ĐT đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục, đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó có ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng là các nhà giáo đang giảng dạy môn học và hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Quá trình thẩm định mỗi thành viên hội đồng nhận bản mẫu SGK và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày; sau đó hội đồng làm việc tập trung trong bảy ngày thảo luận công khai về bản mẫu SGK. Tiêu chuẩn SGK đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới phải bảo đảm: Thể hiện đúng và đầy đủ nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Các bài học trong SGK tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh và yêu cầu về đánh giá quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục… Kết quả quá trình triển khai CT GDPT mới, đã có năm bộ, gồm 46 cuốn SGK lớp 1 được Bộ GD và ĐT phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2020 - 2021.

Mặc dù trải qua nhiều năm với quy trình được đưa ra nhiều công đoạn khác nhau nhưng khi CT, SGK GDPT mới vừa được đưa vào dạy học đã nhận nhiều ý kiến phản biện trong dư luận xã hội. Đó là việc CT GDPT mới thiết kế quá tải về kiến thức, phân phối chưa phù hợp. Đặc biệt, môn Tiếng Việt nặng hơn trước đây nhiều, một tiết có thể học đến bốn âm, bốn vần, lại vừa tập viết, vừa phải nhận dạng chữ, viết bảng và đọc nguy cơ gây quá tải cho học sinh. SGK Tiếng Việt có nhiều “sạn” với các ngữ liệu được trích dẫn, câu từ không phù hợp, gây khó khăn cho người dạy, người học. 

Trước những phản ứng của dư luận xã hội, Bộ GD và ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia  thẩm định SGK môn Tiếng Việt rà soát, kiểm tra lại.  Tuy nhiên, để CT, SGK GDPT mới được triển khai hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 88, đáp ứng yêu cầu đổi mới, việc chỉ rà soát lại khâu thẩm định là chưa đủ. Bộ GD và ĐT cần xem xét lại toàn bộ các khâu từ xây dựng chương trình, biên soạn SGK và thẩm định SGK, để từ đó xử lý kịp thời các hạn chế, bất cập nếu có. Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị của Bộ GD và ĐT, nhất là cơ quan chuyên môn trong việc tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát liên quan đến các khâu xây dựng chương trình, thẩm định SGK. Bộ GD và ĐT, các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK cần cầu thị lắng nghe phản biện về những việc phát sinh trong thực tế và khi có đầy đủ các đánh giá có căn cứ khoa học cần kịp thời điều chỉnh, xử lý những hạn chế của SGK lớp 1, nhằm tránh lặp lại khi biên soạn, thẩm định SGK các lớp học tiếp theo.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top