Dạy và học chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới

Những thuận lợi và khó khăn

13:07 - Thứ Bảy, 24/10/2020 Lượt xem: 17097 In bài viết

ĐBP - Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1. Ðến nay, sau hơn 1 tháng tổ chức dạy và học theo chương trình, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đòi hỏi ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) cần có giải pháp để việc dạy và học đạt kết quả như mong muốn.

Một tiết học môn Tiếng Việt lớp 1 của cô và trò Trường Tiểu học Sa Lông (huyện Mường Chà).

Năm học này, Trường Tiểu học số 2 Mường Mươn (huyện Mường Chà) có 61 học sinh lớp 1, trong đó 99% học sinh là người dân tộc thiểu số. Sau hơn 1 tháng tổ chức các hoạt động dạy và học theo chương trình SGK mới, bên cạnh một số ưu điểm như học sinh đã tích cực, chủ động tiếp thu các bài học, tạo được hứng thú cho người học; giáo viên đã xây dựng kế hoạch bài dạy theo yêu cầu, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Trường cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực triển khai thực hiện. Cô Phạm Thị Kim Nhung, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 1 chia sẻ: Do đa số học sinh là người dân tộc thiểu số (Mông, Khơ Mú) việc đọc, viết còn chậm. Những bài dạy 2 - 3 âm, vần của môn tiếng Việt học sinh nắm bài khó khăn hơn vì nhận thức của các em còn hạn chế, không nhớ hết các âm, vần. Một số bài học có lượng kiến thức nhiều trong khi thời gian không đủ để dạy hết trong 1 tiết. Vở bài tập nội dung kiến thức khó, chưa bám sát nội dung với sách học sinh. Trường có nhiều điểm trường lẻ nên khó sắp xếp cho việc dạy môn hoạt động trải nghiệm; cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu do vẫn thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học như bộ đồ dùng thực hành toán, tiếng Việt, máy chiếu... Một số nội dung bài học môn tự nhiên xã hội yêu cầu thực hành áp dụng trong thực tế chưa phù hợp với nhà trường mà chỉ có thể giới thiệu qua tranh ảnh hay thuyết trình của giáo viên. Mặt khác, do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức.

Sau thời gian đầu thực hiện chương trình SGK lớp 1 mới, cô Phạm Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Na Sang nhận thấy học sinh của Trường nhận thức tương đối tốt nội dung các bài học của từng môn để phát triển năng lực theo mục tiêu của chương trình SGK mới mà giáo viên truyền đạt. Tuy nhiên, do là năm đầu tiên chuyển từ cấp mầm non lên bậc tiểu học nên học sinh vẫn còn bỡ ngỡ, chưa hình dung được cách thức tổ chức các hình thức dạy học của giáo viên, vì vậy một số hoạt động khám phá, thực hành còn mất nhiều thời gian. Nội dung giáo dục địa phương lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm, dạy học lồng ghép nội dung an ninh quốc phòng đối với lớp 1 chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên việc thực hiện còn khó khăn. Trường còn thiếu bộ thiết bị dạy học tối thiểu, máy chiếu phục vụ cho việc học tập của học sinh...

Ðánh giá về việc triển khai thực hiện dạy và học theo chương trình SGK lớp 1 mới, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết: Dù mới triển khai thực hiện được hơn 1 tháng nhưng chương trình SGK mới đã thể hiện được nhiều điểm tích cực. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp thời khóa biểu đối với các môn học ở lớp 1 và thực hiện chương trình các môn học theo đúng kế hoạch thời gian năm học. Giáo viên đã xây dựng được kế hoạch bài dạy theo yêu cầu của chương trình và SGK mới. Một số giáo viên đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học môn toán, tiếng Việt, tự nhiên xã hội. Chương trình môn toán được thiết kế phù hợp với nhận thức của học sinh; các môn âm nhạc, mĩ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm được giáo viên thực hiện đạt hiệu quả cao hơn năm học trước, học sinh đã được giáo viên cho tham gia thực hiện một số hoạt động từ đơn giản đến phức tạp để phát triển năng lực, phẩm chất. Thiết bị dạy học và SGK được cung cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh những ưu điểm, việc thực hiện dạy và học chương trình SGK lớp 1 mới vẫn còn một số khó khăn. Ða số học sinh dân tộc lớp 1 hạn chế về tiếng Việt, nhiều em chưa hiểu rõ câu lệnh của giáo viên, chưa hình thành được nền nếp học tập trong các giờ học. Việc sử dụng bộ chữ cái tiếng Việt để ghép từ mới, tiếng mới còn chậm và còn nhầm lẫn giữa các chữ cái. Học sinh phát âm chưa chính xác, viết chậm, chưa đúng mẫu chữ. Về phía giáo viên, đa số thầy, cô đều kéo dài thời gian học môn tiếng Việt (thêm 5 phút) để mở rộng, khắc sâu kiến thức. Thời gian dành cho hoạt động nghe, nói tiếng Việt chưa hợp lý. Hoạt động hướng dẫn học sinh quan sát tranh để xuất hiện “từ mới, tiếng mới” hiệu quả thấp đối với học sinh dân tộc thiểu số. Hoạt động hướng dẫn học sinh viết bằng phấn trên bảng con, viết trên vở bằng bút chì đều quá thời gian do số lượng chữ viết trong sách giáo khoa bao gồm cả “âm mới, tiếng mới, từ mới”. Khi tổ chức các hoạt động dạy học môn toán, giáo viên gặp một số khó khăn khi dạy nội dung so sánh. Ðồ dùng dạy học môn toán còn thiếu con súc sắc để phục vụ dạy các bài học lập số; hoạt động trò chơi học tập giáo viên phải chuẩn bị nhiều đồ dùng dạy học mới thực hiện được.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, để thực hiện tốt chương trình SGK lớp 1 mới, trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo tổ chuyên môn khối 1 xây dựng kế hoạch giáo dục môn học phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất của từng trường; thống nhất những nội dung cần truyền đạt đến học sinh trong mỗi tiết học, những nội dung cơ bản cần khắc sâu. Ðồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo giáo viên dạy lớp 1 căn cứ nội dung SGK, sách giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với khả năng nhận thức, kỹ năng đọc, viết của học sinh lớp mình, không để xảy ra hiện tượng dạy quá tải, đưa kiến thức nâng cao ngoài SGK vào giảng dạy gây khó khăn cho học sinh. Mặt khác, Ngành sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên lớp 1; tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và làm đồ dùng dạy học để đáp ứng yêu cầu hoạt động dạy học theo chương trình SGK mới.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top