Đánh giá chất lượng nhà vệ sinh, công trình nước sạch tại trường học trên cả nước

14:44 - Thứ Hai, 26/10/2020 Lượt xem: 6108 In bài viết

Ngày 24-10, tại Trường ĐH Sài Gòn (TPHCM), hơn 200 cán bộ quản lý, đại diện các Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các đơn vị trường học đến từ nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tham dự Hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Hội nghị do Bộ GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của đại diện tổ chức UNICEF, Ngân hàng thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế.

Báo cáo về kết quả thực hiện rà soát, đầu tư, cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch, ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm học 2017-2018, cả nước có khoảng 188.024 nhà (phòng) vệ sinh trong các cơ sở giáo dục công lập, tỷ lệ bình quân 4,63 nhà (phòng) vệ sinh/trường. Trong đó, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá đạt 67,4%.

Đến năm học 2019-2020, con số này đã tăng lên 270.695 nhà (phòng) vệ sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước. Trong đó, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh đạt chuẩn là 69,4%, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá là 77,2%.  

Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) rửa tay tại bồn rửa chung của trường.

Ghi nhận từ các địa phương, trong các cơ sở giáo dục hiện nay đang áp dụng nhiều mô hình quản lý, vận hành và bảo quản các công trình vệ sinh gồm: bố trí nhân viên phục vụ công tác nhà vệ sinh, thù lao được trích từ nguồn kinh phí của trường hoặc thuê nhân viên phục vụ công tác nhà vệ sinh, thù lao chi trả từ nguồn kinh phí xã hội hoá (36,86%); phối hợp với Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tổ chức mô hình tự quản làm công tác vệ sinh (17,76%); tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên quản lý, bảo quản và tự làm công tác vệ sinh (42,17%) và sử dụng các hình thức khác như thuê dịch vụ chuyên nghiệp làm vệ sinh, kinh phí ngân sách của địa phương (3,21%).  

Từ thực tế đó, đại diện Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) nhận định, nhận thức của một số cơ sở giáo dục chưa cao, xem nhà vệ sinh là công trình phụ dẫn đến công tác tham mưu, tổ chức, quản lý sử dụng không đáp ứng nhu cầu, ở một số nơi ý thức bảo quản, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch của học sinh chưa cao...

Để tháo gỡ các khó khăn đó, các chuyên gia đã kiến nghị nhiều giải pháp như phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo vệ sinh trường học; giáo dục học sinh ý thức sử sụng, bảo quản, giữ gìn các công trình vệ sinh, nước sạch; tham mưu cho các cấp có thẩm quyền dành kinh phí thoả đáng để đầu tư xây dựng bổ sung, cải tạo, sửa chữa các công trình vệ sinh trường học theo đúng yêu cầu…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các Sở GD-ĐT cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên để có thể đưa vào nghị quyết HĐND hoặc ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, có thể đưa vào tiêu chí thi đua của các cơ sở...

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top