Vấn đề sách giáo khoa mới tiếp tục nóng trên nghị trường

15:03 - Thứ Tư, 04/11/2020 Lượt xem: 6305 In bài viết

Vấn đề về sách giáo khoa mới tiếp tục nóng tại hội trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV ngày 3-11, được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu, tranh luận. Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng có giải trình về vấn đề này.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, năm học 2020-2021, ngay giai đoạn đầu của lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận xã hội khác nhau, đa phần là phản ánh những hạt sạn trong sách giáo khoa (SGK), tài liệu để thực hiện giáo dục mà một số trường lựa chọn.

 “Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này phải chăng đến từ việc chúng ta quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung SGK của Hội đồng thẩm định, vấn đề thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong việc thực hiện thẩm định hay chính trong sự quyết định lựa chọn SGK của các địa phương”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) khi tranh luận về vấn đề bảo vệ môi trường cũng lồng ghép tới vấn đề giáo dục và bày tỏ quan ngại: “Chúng ta hình dung một cháu bé vào lớp 1, quyển SGK chưa qua thử nghiệm, rõ ràng đang học lại thay đổi, bổ sung, sửa chữa hay đính chính”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang).

Giơ biển xin tranh luận, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc biên soạn SGK là vấn đề rất lớn và đề nghị “phải hết sức cẩn trọng”, nếu không sẽ gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, cử tri.

“Ngành giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có một số thiếu sót không tránh khỏi. Tuy nhiên đó không phải sai sót quá nghiêm trọng mà chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp. Không phải sai sót đến mức như đại biểu nói phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hoá việc sai sót này”, đại biểu Bùi Văn Phương nói và cho rằng những sai sót này có thể điều chỉnh và sửa được ở lần tái bản tiếp theo.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện theo chủ trương của Nghị quyết 29/NQ-TW và Nghị quyết 88/NQ-QH, thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa SGK, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt 46 SGK, thuộc năm bộ sách của ba nhà xuất bản, trong đó các bộ sách này đều được các nhà trường lựa chọn đưa vào sử dụng.

Về sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh diều, là một trong 46 sách, thời gian qua được góp ý có dữ liệu chưa được phù hợp. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản lắng nghe tiếp thu, hiện đang chỉnh sửa cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo phải rà soát tất cả các bộ sách. “Theo điều 9 Thông tư 33 về sách giáo khoa, thì SGK được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên phù hợp thực tiễn chứ không phải ban hành xong là xong” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội và cử tri, ngày 3-11.

Theo Bộ trưởng, một chủ trương về đổi mới chương trình, theo lộ trình 5 năm, năm nay là năm đầu tiên thực hiện, với khối lượng nhiều, 46 cuốn, cả ngành cùng cố gắng nhưng khó tránh khỏi những thiếu sót, “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhân dân, tiếp tục cùng với đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếp tục lắng nghe, rà soát để SGK hoàn thiện hơn”.

Việc ép học sinh mua sách, theo quy định chỉ có SGK là sử dụng chính thức và bắt buộc. Tài liệu, sách tham khảo không phải bắt buộc trong nhà trường. Sách tham khảo là do các nhà xuất bản sản xuất và giám đốc nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan và quản lý ấn phẩm này. Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ  Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng bàn để tăng cường quản lý sách lậu, sách không bảo đảm chất lượng để thị trường sách tham khảo tốt hơn. Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 21, trong đó nói rõ không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

“Rất tiếc là thời gian qua, một số nhà trường chưa thực hiện tốt quy định này. Bộ đã thanh tra, chấn chỉnh. Tới đây sửa thông tư 21 theo hướng tăng chế tài, quản lý chặt sách tham khảo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Về giá SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng hai lần, Bộ trưởng lý giải, SGK lớp 1 mới biên soạn theo cách tiếp cận chương trình phổ thông mới, có số trang dài hơn, chất liệu và màu sắc tốt hơn nên khối lượng, giá thành cao hơn. Bên cạnh đó, SGK thực hiện chủ trương xã hội hóa nên không được trợ cấp về biên soạn như trước. Bộ GD-ĐT đã đề nghị và các nhà xuất bản đã nhiều lần giảm giá. Bộ GD-ĐT cũng đã phối hợp Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội, đưa SGK vào vào mặt hàng nhà nước ổn định giá. Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo phải sửa Luật Giá, Chính phủ giao Bộ Tài chính sửa Luật Giá để đưa mặt hàng SGK vào danh mục mặt hàng nhà nước định giá.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top