Trường học “nói không với rác thải nhựa”

09:01 - Thứ Tư, 11/11/2020 Lượt xem: 10906 In bài viết

ĐBP - Phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đang được nhiều trường học trong tỉnh đồng loạt triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của học sinh về ý thức bảo vệ môi trường.

Học sinh Trường Tiểu học Thanh Luông, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) tham gia hoạt động gian hàng “Ðổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”.

Thời gian qua, thông qua tiết học ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, các trường học đã triển khai giảng dạy lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và cách phân loại rác tại nguồn. Một số trường còn tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, xây dựng các mô hình phòng chống rác thải nhựa. Cách thức tuyên truyền đó đã nâng cao nhận thức và giúp học sinh hiểu biết về bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và khu dân cư.

Ðẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế rác thải nhựa, Trường Tiểu học Thanh Luông, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) đã phối hợp với Ban chấp hành Ðoàn xã Thanh Luông tổ chức thực hiện mô hình gian hàng “Ðổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập” trong tháng 10 vừa qua, thu hút sự tham gia của hơn 500 học sinh toàn trường. Những vỏ lon, chai nhựa được học sinh thu gom lại để đổi lấy đồ dùng học tập như: Bút chì, vở, thước, bút sáp màu…

Chị Phạm Hải Tần, giáo viên Tổng phụ trách Ðội, Trường Tiểu học Thanh Luông cho biết: Thông qua tiết học ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt lớp, Liên đội trường đã triển khai tuyên truyền lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường. Học sinh nhà trường còn tham gia nhiều chương trình, xây dựng mô hình chống rác thải nhựa cùng với Ðoàn xã Thanh Luông. Qua đó giáo dục các bạn nhỏ ý thức tự giác và hành động thiết thực, nói không với rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường.

Tại Trường THCS Thanh Luông, mô hình phân loại rác thải nhựa ngay tại trường học thông qua “Ngôi nhà xanh” đã giúp học sinh biết cách phân loại các loại rác thải, sử dụng các vật liệu thay thế nilon, nhựa như sử dụng túi vải, túi dễ phân hủy sinh học...

Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục thì nhiều trường học còn có cách làm hay, khuyến khích học sinh sử dụng rác thải nhựa để tái chế thành các vật dụng hữu ích. Tiêu biểu như Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã phát động phong trào tận dụng đồ dùng nhựa bỏ đi như chai lọ, túi nilon để làm bình hoa, hộp đựng bút... để trang trí nhà trường, lớp học hay khu vực nội trú. Ðể khuyến khích học sinh tích cực tham gia hoạt động này, nhà trường thành lập Câu lạc bộ khéo tay với hơn 80 thành viên, tham gia câu lạc bộ các em học sinh được thỏa sức sáng tạo các sản phẩm được làm từ rác thải nhựa và trao đổi cho nhau những sản phẩm mình yêu thích.

Em Nguyễn Ngọc Hải, lớp 12C1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: Nhờ thầy cô giảng dạy nên em biết được rác thải nhựa rất khó phân hủy và có hại cho môi trường, cần phải hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa; đồng thời tận dụng những sản phẩm bỏ đi để làm những đồ dùng có ích. Em đã thu gom và dùng các chai nhựa cũ, thiết kế thành những chậu hoa xinh xắn để trang trí lớp học và phòng nội trú của em.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Từ các sản phẩm nhựa tưởng chừng bỏ đi, nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, các em biết sáng tạo để làm thành những sản phẩm hữu ích, đẹp mắt. Ở thư viện của trường và mỗi lớp học đều được trang trí bằng những chậu hoa xinh xắn do học sinh trong trường tự làm. Qua đó, không chỉ giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, mà còn tạo môi trường học tập thân thiện.

Còn tại Trường Mầm non Hua Thanh (huyện Ðiện Biên), các loại vỏ chai nhựa, giấy báo, bút hết mực, vỏ hộp sữa… được các cô giáo tận dụng làm vật liệu tái chế để tạo hình các con vật, đồ chơi cho trẻ cũng như các đồ trang trí cho lớp học. Ðó vừa là sản phẩm bảo vệ môi trường, lại là cơ hội để cô và trò thể hiện được sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ cũng như tạo nên sự đa dạng, sinh động về đồ dùng, đồ chơi, học cụ và nét độc đáo riêng có của mỗi lớp học; đồng thời, tạo môi trường, nguyên vật liệu mở cho trẻ hoạt động tích cực.

Có thể thấy rằng, nhận thức về việc hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong chính học sinh, cán bộ giáo viên đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc làm này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng những hành động cụ thể, để “nói không với rác thải nhựa” sẽ trở thành thói quen của mỗi cá nhân và lan tỏa trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top