Ðẩy lùi rác thải nhựa từ ý thức và hành động

08:26 - Thứ Hai, 16/11/2020 Lượt xem: 5641 In bài viết

ĐBP - Rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và toàn xã hội. Nhận biết điều đó, thời gian qua, trong tỉnh đã có nhiều cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, cách làm hay nhằm hạn chế, đẩy lùi rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Mường Ảng tái chế các sản phẩm từ nhựa đã qua sử dụng thành các đồ dùng trang trí trong học tập.  Ảnh: Quang Long

Anh Ðinh Công Lượng, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) là một trong những người có ý thức và tinh thần cao trong việc bảo vệ môi trường. Trong sinh hoạt hàng ngày, ngoài việc hạn chế sử dụng các vật dụng bằng túi nilon, đồ nhựa… anh còn áp dụng vào trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tất cả diện tích cây ăn quả (chủ yếu là ổi) sau khi đơm hoa, ra quả, anh đều sử dụng túi sinh học tự hủy để che, bảo vệ quả, tránh ruồi, muỗi và các loại côn trùng xâm hại. Anh Lượng cho biết, việc sử dụng túi sinh học này rất an toàn, khi đưa vào sản xuất, thì chỉ khoảng 1 năm sau loại túi này sẽ tự hủy. Sau khi phân hủy sẽ giải phóng các chất hữu cơ dễ hòa tan trong nước, đất, không gây tác hại cho môi trường, thuận tiện cho việc xử lý rác.

Nói về ý tưởng sử dụng túi nilon sinh học trong sản xuất nông nghiệp, anh Lượng chia sẻ: “Qua sách báo và phương tiện truyền thông, tôi thấy thời gian qua thực trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi là đáng lo ngại. Nguyên nhân thì nhiều nhưng một phần cũng do thói quen của người dân thường xuyên xả rác bừa bãi ra môi trường, trong đó có rác thải nhựa. Chính vì ý thức, trách nhiệm muốn bảo vệ môi trường, tôi đã tìm hiểu và quyết định chọn túi nilon sinh học tự hủy vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Ðối với loại túi này, hiện nay ở Ðiện Biên chưa có mà gia đình tôi phải đặt từ Hà Nội với giá 40 - 50 nghìn đồng/kg. Tôi đã sử dụng loại túi này cách đây khoảng 4 năm rồi và rất yên tâm”.

Cũng là cách làm hay trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa, thời gian qua, nhiều cửa hàng, quán ăn nhanh trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đã sử dụng một số vật dụng an toàn, thân thiện với môi trường để đóng gói, bọc thực phẩm và sử dụng thực phẩm, như: Túi giấy, lá chuối, thìa gỗ…; thậm chí, có những cửa hàng còn thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách tích góp đủ số lượng túi đựng thực phẩm thân thiện môi trường của cửa hàng để đổi lấy 1 sản phẩm là thực phẩm ăn nhanh tại quán. Chị Lê Thị Quỳnh Trang, quản lý cửa hàng bánh mì trên địa bàn phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Mặc dù chi phí bao bì được làm bằng giấy đựng thực phẩm ăn nhanh cao hơn túi nilon thông thường song tôn chỉ của cửa hàng là kinh doanh nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ môi trường. Hiểu được điều này, lượng khách đến với cửa hàng ngày càng đông hơn”. Cũng theo chị Trang, không chỉ cửa hàng bán đồ ăn nhanh do chị quản lý hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, một số cửa hàng giày dép mà công ty chị kinh doanh cũng không sử dụng túi đựng bằng chất liệu nilon. Ðây cũng là một trong những cách làm hay, tạo sự lan tỏa về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi rác thải nhựa.

Cũng các địa phương khác, tại huyện Mường Ảng, phong trào, hành động chống rác thải nhựa đã được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả. Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện, thời gian qua, bên cạnh công tác giảng dạy, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tham gia nhằm chung tay bảo vệ môi trường, như: Trồng cây xanh, vệ sinh khuôn viên nhà trường hoặc trên các tuyến phố... Ngoài ra, để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, thiết thực, Ban giám hiệu nhà trường giao Ðoàn Thanh niên vận động, định hướng cho đoàn viên thanh niên, học sinh tận dụng các sản phẩm từ nhựa đã qua sử dụng để làm một số đồ dùng, như: Bình hoa, vật dụng sinh hoạt, trang trí trường, lớp học… Chị Ðỗ Thị Ánh, Phó Bí thư Ðoàn trường cho rằng, việc tái chế các sản phẩm từ nhựa đã qua sử dụng là việc làm thiết thực, vừa giúp học sinh được trải nghiệm, đồng thời có kỹ năng “sống xanh” trong môi trường hiện đại.

Cũng là một trong những hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa từ túi nilon, ngày 31/10 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Huyện đoàn Mường Ảng phối hợp tổ chức “Ngày hội làn nhựa đi chợ”; đồng thời phát trên 1.000 chiếc làn nhựa cho người dân tại chợ trung tâm huyện. Chị Ngô Thị Hải Yến, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng chia sẻ: Việc phát làn miễn phí cho người dân là hoạt động rất ý nghĩa, không chỉ khuyến khích nhân dân mua, bán hàng đúng nơi quy định tại chợ mới mà còn làm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và toàn xã hội.

Quang Long
Bình luận
Back To Top