VẤN ÐỀ TUẦN NÀY

Nghề cả xã hội tôn vinh

08:40 - Thứ Năm, 19/11/2020 Lượt xem: 13062 In bài viết

ĐBP - Người Việt có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Chính vì vậy, khi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến, không chỉ các thầy, cô giáo vui mừng, phấn khởi, nhớ đến sự kiện này, mà nhiều lắm thế hệ học trò, phụ huynh... đều có lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo. Ðây là động lực tinh thần, giúp các thầy cô vượt qua muôn vàn khó khăn của cuộc sống, ngày qua ngày bám lớp, bám trường truyền thụ kiến thức cho học sinh. Với mong muốn, khi lớn lên, bước ra xã hội, các em trở thành công dân tốt, sống có trách nhiệm.

Nghề “đưa đò” vốn dĩ vất vả, gian nan và càng khó khăn, nhọc nhằn hơn khi đứng lớp, gắn bó với phấn trắng, bảng đen tại các xã, bản miền núi như Ðiện Biên. Khách quan đánh giá, cơ sở vật chất trường lớp, nhà công vụ giáo viên; thiết bị bổ trợ cho dạy học... hiện nay đã cơ bản được cải thiện nhiều so với trước. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông đến các trường học trung tâm, điểm trường ở bản; điện lưới quốc gia đã cơ bản đến với các trường, lớp học... Nhưng so với các tỉnh miền xuôi, so với  đội ngũ cán bộ viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, thì các thầy cô giáo thiệt thòi hơn nhiều. Vậy nhưng các thầy cô giáo không so đo, tị nạnh, ngược lại họ biến khó khăn thành động lực để vươn lên. Với các thầy cô, chỉ cần hàng tuần được đến lớp, được nhìn thấy học sinh của mình vui vẻ, phấn khởi học bài, nô đùa náo nhiệt... đấy là liều thuốc tinh thần, là sức mạnh vô song giúp các thầy cô giáo quên đi mệt nhọc, khó khăn, thiếu thốn.

Còn nhớ, đầu tháng 10 vừa qua, tỉnh Ðiện Biên tổ chức hội nghị tổng kết công tác Giáo dục - Ðào tạo năm 2019 - 2020. Trong nhiều lắm các kết quả từ báo cáo của ngành, các tham luận điển hình của huyện, thị, nhà trường... tôi thực sự ấn tượng với những con số: tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%; học sinh 6 - 10 tuổi học tiểu học đạt 99,7%; học sinh 11 - 14 tuổi học THCS đạt 95,9%; tỷ lệ huy động học sinh 15 - 18 tuổi học THPT đạt 63%. Toàn ngành hiện có 16.368 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt trên 97%...

Chừng ấy thông tin thôi cũng đủ nói lên nhiều điều. Vì những ai quan tâm đến sự nghiệp Giáo dục -  Ðào tạo vùng cao sẽ rõ chuyện, đầu các năm học, hoặc sau tết nguyên đán hàng năm, thầy cô giáo lại đến từng nhà, vượt núi, băng rừng đến các lán nương tìm học sinh để vận động phụ huynh, người nhà cho các em đến trường học chữ. Không ít thầy cô giáo dùng đồng lương ít ỏi của mình mua bánh kẹo, đồ dùng dạy học tặng các em. Hình ảnh chị đến lớp, anh đến lớp cõng theo em vào lớp không hiếm gặp ở các bản vùng cao. Lớp học ghép cấp tiểu học vẫn còn. Học sinh vào lớp 1 mà chưa thuộc bảng chữ cái, chưa biết tô nét rất phổ biến. Học sinh từ lớp 3 trở lên về trung tâm xã học và ở nội trú, các thầy cô giáo kiêm luôn nhiệm vụ “là mẹ, là cha”. Hàng ngày, các thầy cô giáo quan tâm bữa ăn, giấc ngủ của các em, coi các em như con đẻ của mình. Chính cách làm này đã gắn bó tình thầy - trò, là nguồn động viên để các thế hệ học sinh vùng cao quyết tâm đến trường học chữ, học lễ.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, quà các thầy cô giáo nơi vùng cao nhận được là những bông hoa rừng, những sản vật các em học sinh tìm kiếm được trên rừng. Giá trị vật chất không lớn, nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng lớn lao. Nhận món quà chúc mừng Ngày 20/11 từ tay học sinh, phụ huynh, nhiều thầy, cô giáo rưng rưng nước mắt. Trong thâm tâm, họ cũng suy nghĩ, so sánh với bạn bè, đồng nghiệp miền xuôi, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng nỗi buồn sẽ nhanh vụt qua, các thầy cô giáo lại nghĩ đến câu “của cho không bằng cách cho”. Cái quan trọng nhất, quý giá nhất là các em học sinh, phụ huynh đã nhớ đến mình, đã mang đến cho mình những món quà mà họ dày công, đổ mồ hôi mới tìm kiếm, gom góp được, điều đó mới đáng quý trọng. 

Cổ nhân có câu: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “muốn sang thì bắc cầu kiều”... Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta hãy dành lời chúc tốt đẹp nhất đến mỗi người Thầy. Dù trong hoàn cảnh nào thì các thầy, cô giáo vẫn là người giữ vai trò quan trọng trong xã hội - “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Con chữ các thầy, cô giáo mang cho các em là hành trang để mai này bước vào đời, xây dựng quê hương đất nước ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top