Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh trong trường học

09:03 - Thứ Hai, 21/12/2020 Lượt xem: 6230 In bài viết

ĐBP - Cuối tháng 11 vừa qua, Trường THCS Nà Nhạn, xã Nà Nhạn (TP. Ðiện Biên Phủ) đã thực hiện thành công buổi truyền thông thay đổi hành vi, hợp phần vệ sinh trường học thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” năm 2020. Buổi truyền thông thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và hàng trăm học sinh toàn trường. Với nhiều hoạt động truyền thông phong phú gắn với thực tiễn địa phương đã trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Học sinh Trường THCS Nà Nhạn (xã Nà Nhạn, TP. Ðiện Biên Phủ) được hướng dẫn thao tác, quy trình rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Ảnh: C.T.V

Thông qua công tác truyền thông giúp học sinh của Trường THCS Nà Nhạn hiểu ý nghĩa của việc ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; vì sao phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ; sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch; cách sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải hợp vệ sinh và đúng nơi quy định... Hiểu được ý nghĩa đó, sau buổi tuyên truyền tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh trong nhà trường đều cam kết thực hiện tốt các nội dung đã được tiếp thu, thay đổi hành vi về cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện việc dọn vệ sinh hàng ngày; đảm bảo duy trì bền vững các tiêu chí cho nhà tiêu hợp vệ sinh trong trường học. Ngoài tổ chức truyền thông theo chuyên đề, nhà trường tổ chức tuyên truyền trong hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm học sinh; tổ chức các hoạt động Ngày hội vệ sinh trường học; lao động vệ sinh trường lớp; thực hành rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, các cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện, tiểu phẩm, giao lưu, hội thi với chủ đề tìm hiểu về nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường... để học sinh tự giác thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Trường THCS Nà Nhạn là 1 trong 169 trường học “Vệ sinh toàn xã” trong toàn tỉnh thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” năm 2020. Các trường học này được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng. 100% cán bộ quản lý, nhân viên y tế học đường trong các trường học tham gia thực hiện chương trình được đào tạo tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh; kiểm tra, giám sát vệ sinh nhà tiêu trường học…

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về vệ sinh cho cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong địa bàn được thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để góp phần hình thành và củng cố các kỹ năng vệ sinh cá nhân cho học sinh; trang bị và củng cố các kỹ năng sử dụng và bảo quản các công trình vệ sinh trong trường học cho cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Huy động sự tham gia của cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường, cha mẹ học sinh trong các hoạt động truyền thông về vệ sinh, bảo vệ môi sinh, môi trường; góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực… Ngành đặt ra mục tiêu trong năm 2020 có 100% giáo viên và học sinh các trường mầm non và tiểu học (không kể các điểm trường); THCS của 45 xã, 169 trường học “Vệ sinh toàn xã” được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng. 100% cán bộ quản lý, nhân viên y tế học đường trong các trường học tham gia thực hiện chương trình được đào tạo tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh... Các cấp chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể, cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở trường học và những người có uy tín trong cộng đồng (trưởng thôn, già làng, trưởng bản tại địa phương…) được cung cấp thông tin về tầm quan trọng và các nội dung vệ sinh trường học; đưa chỉ tiêu tỷ lệ trường học trên địa bàn sử dụng nhà tiêu cải thiện, số trường học đạt ODF (cộng đồng không phóng uế bừa bãi) vào chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương các cấp và cam kết thực hiện... Các trường học được thụ hưởng chương trình đã tổ chức tốt các hoạt động vận động chính sách qua nhiều “kênh” thông tin (hội thảo, sự kiện, tài liệu…) để tăng cường sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về công tác nước sạch và vệ sinh cho học sinh, về tác động của nước sạch và vệ sinh đến sức khỏe của học sinh. Tổ chức các lớp tập huấn cấp tỉnh cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng, bảo quản công trình nước sạch, vệ sinh trong trường học; gắn kết các hoạt động tuyên truyền vệ sinh trong nhà trường với các hoạt động của cộng đồng… Phát hiện, động viên, khích lệ nhiều điển hình tiên tiến thực hiện tốt công tác truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top