Nậm Pồ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học

10:14 - Thứ Tư, 23/12/2020 Lượt xem: 6679 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới mới chia tách thành lập (năm 2013) điều kiện cơ sở vật chất, giao thông, hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ðặc biệt là cơ sở vật chất trường lớp học ở các xã khu vực biên giới. Những năm qua, huyện Nậm Pồ đã tập trung mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhờ đó, cơ sở vật chất trường lớp học ngày càng khang trang sạch đẹp; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm sau tăng hơn năm trước.

Học sinh Trường THPT Dân tộc Bán trú Tiểu học Na Cô Sa được học tập, vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang.

Theo thống kê của Phòng giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, năm học 2013 - 2014 toàn huyện có 38 trường, 664 phòng học (trong đó, 389 phòng học kiên cố, 142 phòng gỗ, 133 phòng tạm); 125 phòng công vụ giáo viên; 351 phòng ở nội trú học sinh (trong đó, 278 phòng kiên cố, 73 phòng gỗ “3 cứng”, 110 phòng tạm). Toàn huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc kiên cố hóa trường lớp học, đặc biệt hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025. Chủ động lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất theo lộ trình với các hạng mục cần phải làm, như: Lớp học, phòng học chức năng, phòng làm việc Ban giám hiệu, thư viện trường học, nhà ăn, bếp nấu, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú cho học sinh... Thành lập tổ công tác đến từng điểm trường kiểm tra nắm bắt thực trạng và nhu cầu của nhà trường. Tranh thủ mọi sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, kết hợp sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một các linh hoạt trong việc ưu tiên hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng cơ sở vật chất. Vận động giáo viên, phụ huynh học sinh hỗ trợ ngày công, vật liệu sẵn có của địa phương (ván gỗ, cát, sỏi...) san nền, dựng lớp học.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học của huyện Nậm Pồ từng bước được hoàn thiện, số phòng học tạm năm sau giảm hơn năm trước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện nay, toàn huyện có 45 trường, 808 phòng học, tăng 144 phòng so với năm 2013 (trong đó, 519 phòng kiên cố; 198 phòng bán kiên cố; 91 phòng học tạm (3 cứng) giảm 42 phòng so với năm 2013; 28 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 24 trường so với năm 2013)...

Trường THPT Dân tộc Bán trú Tiểu học Na Cô Sa là một trong những trường ở khu vực biên giới thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học. Thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời điểm huyện mới thành lập (năm 2013), cả trường có 37 phòng học (trong đó, có 16 phòng học kiên cố; 21 phòng học tạm) thiếu thốn trang thiết bị dạy và học. Những năm qua nhờ được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức từ thiện xã hội với tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ trên 7,4 tỷ đồng (trong đó, riêng nguồn xã hội hóa 1,4 tỷ đồng) diện mạo nhà trường đã hoàn toàn thay đổi. Hiện, nhà trường có 39 phòng học, tăng 2 phòng so với năm 2013 (trong đó, kiên cố 24 phòng, bán kiên cố 6 phòng, 9 phòng “3 cứng”). Phòng công vụ cho giáo viên, phòng bán trú cho học sinh cũng được thay đổi về số lượng và chất lượng. Toàn trường có 10 phòng kiên cố và 5 phòng công vụ “3 cứng” cho giáo viên (tăng 8 phòng so với năm 2013); 15 phòng kiên cố và 15 phòng bán trú “3 cứng” phục vụ học sinh nội trú (tăng 15 phòng so với năm 2013). Hệ thống sân trường, bãi tập, khuôn viên được bê tông hóa; trang thiết bị cơ bản đáp ứng công tác dạy và học. Cùng với sự thay đổi về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học ngày một nâng lên. Nhờ đó, trường đã đạt chuẩn quốc gia năm 2018.

Bà Hoàng Thị Bích, Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học tiến tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là yếu tố quyết định khẳng định được chất lượng và hiệu quả của giáo dục huyện nhà. Những năm qua ngoài nhiệm vụ chuyên môn phòng đã nỗ lực trong việc huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong 5 năm qua tính riêng nguồn kinh phí xã hội hóa huyện đã huy động được trên 17 tỷ đồng; các thầy cô giáo, học sinh và nhân dân đóng góp trên 20.000 ngày công lao động và 750m3 gỗ, 1.500m3 cát sỏi để xây dựng trường lớp học. Trong thời gian tới để đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục huyện tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, đầu tư nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi, nhà ở công vụ cho giáo viên...

Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận
Back To Top