Góc nhìn – Tiêu điểm

Bạo lực học đường

08:38 - Thứ Bảy, 02/01/2021 Lượt xem: 7298 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc bạo lực học đường và hành vi bạo hành liên quan đến học sinh. Mới đây, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra vụ ông T.N.P - phụ huynh học sinh Trường THCS Tân Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) đã vào lớp đánh một học sinh cùng lớp con mình, gây thương tích 1%. Nguyên nhân cũng rất đơn giản là mâu thuẫn giữa hai đứa trẻ dẫn đến xô xát.

Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và khởi tố đối với ông T.N.P về hành vi “cố ý gây thương tích”. Còn về phía ngành giáo dục đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng nhà trường vì để xảy ra sự việc trên. Song vụ việc sẽ ảnh hưởng nhiều đến các em học sinh khi chứng kiến bạn bị hành hung ngay tại lớp. Những hành vi bạo lực xảy ra ngay trong phạm vi nhà trường sẽ tạo ra sự bất an trong môi trường giáo dục; tác động đến suy nghĩ và hành động của học sinh đang độ tuổi phát triển trí tuệ, nhân cách.

Là bậc cha mẹ, khi chứng kiến cảnh con mình bị bạn bè đánh đều rất đau xót, thương con. Thế nhưng thay vì có những hành động thiếu kiềm chế, chuẩn mực thì các phụ huynh nên bình tĩnh tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân sự việc, để tìm hướng giải quyết. Nếu nghiêm trọng, cha mẹ có thể gặp thầy cô phụ trách lớp, ban giám hiệu nhà trường để giải quyết. Hoặc cũng có thể gặp phụ huynh của bạn con để trao đổi, chứ tuyệt đối không được đánh học sinh. Hành động của phụ huynh trên là sai, và cũng đặt ra vấn đề kiểm soát an ninh tại nơi công cộng như trường học cần phải được tăng cường hơn. Rõ ràng để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy có phần lơi lỏng, sơ suất trong quản lý.

Mối lo ngại về bạo lực học đường đang trở thành vấn đề “nóng” của toàn xã hội. Dù xảy ra trong hay ngoài cổng trường, đều là dấu hiệu sa sút về đạo đức, văn hóa ứng xử và thiếu hụt kỹ năng sống của một bộ phận học sinh, và ngay cả những bậc phụ huynh. Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học để giáo viên, phụ huynh và học sinh điều chỉnh cách ứng xử trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Bộ quy tắc này nhằm đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Song cần có sự kiểm tra, giám sát các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh có thực hiện tốt hay không?

Ðể xảy ra tình trạng bạo lực trong các trường học không chỉ trách nhiệm của nhà trường mà vai trò giáo dục trong gia đình rất quan trọng, đặc biệt là sự gương mẫu từ người lớn. Ðể ngăn chặn, đẩy lùi rồi từng bước chấm dứt bạo lực học đường thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình nhằm xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình, môi trường xã hội lành mạnh; tạo điều kiện cho học sinh phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ và đạo đức trong sáng, lành mạnh.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top