Ðẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở Mường Nhé

08:30 - Chủ Nhật, 10/01/2021 Lượt xem: 5632 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, không chỉ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân, huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng giáo dục. Thông qua nguồn xã hội hóa đã có hàng trăm phòng học, các công trình phụ trợ được xây dựng, góp phần đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn huyện.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 2 sau khi được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đầu tư hơn 17 tỷ đồng xây dựng khang trang, đẹp hơn.

Ông Phạm Thiết Chùy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Với đặc thù của huyện miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục được ngành đẩy mạnh. Phòng đã linh hoạt vận dụng thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp, hiệu quả xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học. Nhiều trường sau khi có trường, lớp học mới ra sức thi đua dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 2 trước đây khó khăn về cơ sở vật chất đã ảnh hưởng nhiều đến công tác giảng dạy. Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhân dân tham gia hỗ trợ xây dựng phòng, lớp học và các hạng mục phụ trợ cho trường. Bằng tấm lòng sẻ chia với giáo dục vùng cao, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cũng tài trợ hơn 17 tỷ đồng xây dựng các hạng mục, như: 16 phòng học, 14 phòng nội trú cho học sinh, dãy nhà hiệu bộ và một số công trình phụ trợ (nhà ăn, bể chứa nước sinh hoạt, sân chơi). Sau gần 3 năm thi công, đầu năm 2019 công trình được bàn giao đưa vào sử dụng trước sự phấn khởi của đông đảo nhân dân xã Nậm Kè, đặc biệt là cán bộ, giáo viên và gần 300 học sinh nhà trường.

Cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đầu năm 2020 vừa qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương tài trợ hơn 600 triệu đồng xây dựng điểm trường Nậm Pan 3. Công trình gồm 3 phòng học, 1 phòng công vụ, 1 nhà bếp, 2 khu vệ sinh và một số hạng mục phụ trợ. Công trình đưa vào sử dụng đã thay thế điểm trường cũ được xây dựng từ năm 1999 làm bằng gỗ, đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cô giáo Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thầy trò nhà trường rất vui khi được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đã đầu tư kinh phí xây dựng điểm trường cho đơn vị. Nhà trường sẽ bố trí, sắp xếp và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư. Ðồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội để công tác giáo dục của nhà trường không ngừng phát triển.

Ở huyện Mường Nhé, qua sự kết nối, kêu gọi của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như của ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện, thời gian qua đã có nhiều trường, điểm trường trên địa bàn được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Từ năm 2015 đến nay, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện đã huy động hơn 68 tỷ đồng xây dựng nhà, lớp học (xóa nhà tranh tre, nứa lá); tặng đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập cho học sinh, giáo viên, thiết bị dạy học cho các đơn vị trường, hỗ trợ bữa ăn  tại các điểm trường học sinh không thuộc diện hưởng chế độ của Nhà nước…

Ông Phạm Thiết Chùy chia sẻ: Vài năm trước, trên địa bàn huyện còn nhiều trường, lớp học đã xuống cấp; các phòng làm việc, phòng bộ môn, nhà ở nội trú, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân trường, tường rào của các trường còn thiếu nhiều. Song, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, ngành đã cùng chính quyền địa phương kết nối, kêu gọi các nhà từ thiện, tổ chức, cá nhân cùng với nhân dân hỗ trợ, đầu tư kinh phí, ngày công lao động kiên cố hóa trường, lớp học với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Mặc dù đã được đầu tư nhiều, nhưng hiện nay huyện Mường Nhé vẫn còn 47 phòng, lớp học tạm. Ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư kinh phí để huyện xóa phòng, lớp học tạm, từ đó, giúp huyện từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top