Hỗ trợ đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số

09:31 - Thứ Hai, 11/01/2021 Lượt xem: 6292 In bài viết

ĐBP - Ðược miễn học phí, hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được ở nội trú là những chính sách mà em Sùng A Nhè, dân tộc Mông, trú tại bản Mảy Hốc, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) và các học sinh, sinh viên (HSSV) là người dân tộc thiểu số (DTTS) khác được hưởng khi theo học tại Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên.

Sinh viên khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên trong giờ thực hành.

Sùng A Nhè chia sẻ: Em học lớp cao đẳng điện công nghiệp K6, niên khóa 2017 - 2020. Do điều kiện gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THCS là em nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền, nhưng công việc không ổn định. Khi được các thầy cô Trường Cao đẳng Nghề đến tận nhà tư vấn học nghề em rất háo hức. Ra trường đầu năm 2020, em được nhận 2 tấm bằng (THPT và cao đẳng nghề), em cảm thấy tự tin khi đi xin việc và cũng có nhiều sự lựa chọn việc làm hơn. Thời gian qua em làm việc tại Bắc Ninh, tuy xa nhà nhưng mức lương ổn định từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Thạc sĩ Bùi Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên cho biết: Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động, phát huy nguồn nhân lực dồi dào của các địa phương. Bên cạnh những chính sách về giáo dục, các chính sách liên quan đến đào tạo và dạy nghề cho học sinh, thanh niên DTTS cũng đang được xây dựng và ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Học sinh ra trường hàng năm tìm được việc làm ngay đạt tỷ lệ trên 80%, trong đó nhiều HSSV người DTTS sau khi ra trường đã có việc làm và thu nhập ổn định từ 5 - 15 triệu đồng/tháng tùy từng ngành nghề và nơi làm việc. Có em lựa chọn làm tại địa phương, cũng có những em bứt phá ra khỏi “lũy tre làng” như trường hợp của em Nhè. Dù làm công việc gì và ở đâu nhưng với kiến thức các em được đào tạo đã áp dụng hiệu quả vào thực tế, có cuộc sống ổn định hơn.

Hiện nay Trường Cao đẳng Nghề đang tổ chức đào tạo 12 nghề trung cấp, 7 nghề cao đẳng và 20 nghề sơ cấp đào tạo thường xuyên. Năm học 2020 - 2021, trường có 533 HSSV, trong đó 444 em là người DTTS. 100% học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề đều được miễn học phí; riêng đối với HSSV là DTTS được hưởng trợ cấp xã hội 140 nghìn đồng/tháng và nếu thuộc đối tượng theo Quyết định số 53/2015/QÐ - TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được ở nội trú. Ðể thu hút học sinh học nghề, trường đã bám sát nhu cầu việc làm để mở các nghề đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp với các ngành chuyên môn khảo sát, đánh giá nhu cầu việc làm, tránh tình trạng học sinh ra trường không tìm được việc làm. Thiết thực nhất là tại Hội chợ việc làm hàng năm do Trung tâm Hỗ trợ việc làm tỉnh tổ chức, nhà trường đều đưa tất cả HSSV năm cuối tham dự để tạo cơ hội việc làm cho các em. Năm 2020, Hội chợ việc làm tổ chức ở Ðiện Biên Ðông nên tất cả HSSV không có điều kiện tham gia hết, nhưng nhà trường cử 5 đại diện HSSV và Ðoàn thanh niên tham gia. Ngoài việc học theo khung chương trình tại trường, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lớn ở trong và ngoài tỉnh tổ chức cho HSSV thực hành tại các cơ sở sản xuất có máy móc, thiết bị hiện đại. Qua đó giúp các em có cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất kinh doanh, máy móc hiện đại và quan trọng là rèn luyện kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp.

Trong thời gian tới, Trường Cao đẳng Nghề tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề và “kỹ năng mềm” cho HSSV, đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo 5 nghề trọng điểm được đầu tư theo dự án đổi mới và phát triển dạy nghề. Ðổi mới mạnh mẽ các hoạt động tuyển sinh theo hướng thiết thực hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu xã hội, thị trường lao động và việc làm; trong đó ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho trường hợp dự tuyển là người DTTS.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top