Đổi mới giáo dục: Tạo bước chuyển mạnh mẽ

15:52 - Thứ Hai, 01/02/2021 Lượt xem: 7300 In bài viết

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả”. Phát huy kết quả đạt được, tạo bước chuyển mạnh trong đổi mới giáo dục, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc là mục tiêu, cũng là giải pháp trong thời kỳ mới.

Giai đoạn 2016-2020, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã tạo môi trường học tập tốt cho học sinh. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Những dấu ấn đáng tự hào

Giai đoạn 2016-2020, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đem lại những hiệu quả bước đầu. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô. Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang triển khai theo lộ trình; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới...”.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2016-2020 đã có những dấu ấn đáng tự hào. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đơn cử, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 92,08%, đứng tốp đầu Đông Nam Á...  

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, chưa bao giờ giáo dục của Việt Nam đổi mới nhanh và mạnh mẽ, tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế như những năm gần đây. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam có 2 trường đại học nằm trong danh sách xếp hạng 1.000 trường hàng đầu thế giới. Đến nay đã có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng này; ngoài ra còn có 11 cơ sở nằm trong tốp đầu châu Á...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đó là: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao... Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội...”.

Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành tin học tại Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang

Đổi mới cơ chế quản lý là giải pháp đột phá

Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài”.

Với vị thế là địa phương nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về quy mô và chất lượng giáo dục, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô quyết tâm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Toàn ngành tiếp tục coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo 3 tiêu chí “Đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp”; tích cực đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức; tăng cường rèn kỹ năng cho học sinh...

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà trường tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; coi trọng việc phát huy tính tích cực của sinh viên trong thực hành và vận dụng kiến thức, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản, gồm: Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; đẩy nhanh chuyển đổi số; tăng cường công tác truyền thông, nhằm tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo...

“Ngành Giáo dục chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá để thực hiện các chủ trương, chính sách hiệu quả hơn, quyết tâm khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội. Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực, nhưng tháo gỡ được những rào cản đối với giáo dục hiện nay, quyết tâm tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top