Những người ở lại

08:30 - Thứ Ba, 09/02/2021 Lượt xem: 10729 In bài viết

ĐBP - Tết đến xuân về là dịp mỗi gia đình sum vầy, đầm ấm bên nhau. Nhưng ở miền biên viễn xa xôi huyện Nậm Pồ vẫn có nhiều giáo viên gạt đi những mong ước đời thường, hi sinh tình cảm cá nhân; ở lại bám trường, bám lớp vui xuân cùng với học sinh thân yêu, với bà con dân bản.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng đến tận nhà học sinh ở bản Nậm Chua, xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ) vận động học sinh ra lớp.

Như nhiều giáo viên vùng cao khác, tết Nguyên đán năm nay cô giáo Nguyễn Thị Hồng, quê Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chà Tở, xã Chà Tở ở lại ăn tết cùng bà con dân bản. 16 năm công tác gắn bó với vùng sâu, vùng xa, năm nay là năm thứ 9 cô Hồng ăn tết xa quê, xa gia đình. Những ngày cuối năm, khi học sinh nghỉ tết về bản, cô Hồng cũng dọn dẹp, chỉnh trang “tổ ấm” nhỏ của mình, mua sắm bánh kẹo, làm mứt gừng, mứt bí (những nông sản sẵn có tại địa phương) và có thêm cành đào phụ huynh học sinh tặng để đón xuân.

Nhớ lại những ngày đầu lên vùng cao nhận công tác, cô Hồng tâm sự: Vì là người miền xuôi lần đầu được tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số nên có quá nhiều thứ lạ lẫm, bỡ ngỡ. Khi đó tôi được phân công lên xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) - một trong 6 xã “trắng” giáo dục mầm non; khó khăn chồng chất khó khăn. Ngày đầu tiên đi làm là sự kiện trọng đại trong cuộc đời, nên từ sáng sớm tôi đã sửa soạn quần áo, trang điểm tinh tươm, đi giày cao gót... Vào lớp thấy học sinh có em mặc áo rách, có đứa đi chân đất, mặt mũi lem nhem tôi đã không kìm được nước mắt. Chào, làm quen, giới thiệu bản thân với học trò; nhưng đến lượt cô mời các con giới thiệu tên của mình, gọi hết bạn này đến bạn kia không có trẻ nào đáp lời; có một cháu mạnh dạn nhất lớp trả lời “chi pâu” (không biết). Lúc này mới biết cô, trò bất đồng ngôn ngữ. Những tuần tiếp theo là nước mắt nhớ nhà, nhớ quê mỗi khi đêm xuống một mình trong căn nhà công vụ giáo viên (gọi là nhà công vụ nhưng thực chất chỉ là nhà tranh tre, vách đất). Cuộc sống cứ vậy âm thầm trôi qua, cô dạy trò con chữ, trò dạy lại cô tiếng địa phương. Lâu dần cũng giao tiếp được với trẻ bằng tiếng Việt lẫn tiếng Mông, tiếng Thái. Rồi cũng quen dần với những cơn mưa rừng, lũ suối, những con dốc cao “sấp mặt”. Năm 2013, chia tách thành lập huyện Nậm Pồ, tôi xung phong về vùng khó; nơi bắt đầu với nhiều cái không nhất (không điện, không đường, không lớp…). Ðược phân công về Trường Mầm non Chà Tở, trường có các điểm bản rải rác, nằm cách xa trung tâm nhất huyện. Có những bản nằm sâu trong rừng già (điểm trường Sìn Thàng), có bản cách trung tâm xã đến 32km, chưa có đường ô tô vào bản (Nậm Chua, Huổi Anh…). Nhiều khi đi xe không may bị ngã vực, ngã suối thấy tủi thân, vì có mỗi mình phải chờ có người dân đi qua mới nhờ giúp kéo xe lên được...

Thấm thoắt mà cũng gắn bó với vùng cao được 16 năm. Không về được quê ăn tết ai cũng thấy rất buồn. Nhớ nhà! Nhớ cha mẹ! Nhưng do gắn bó lâu với vùng cao nên cảm thấy cuộc sống dần bình thường. Tết học sinh đến nhà chơi thăm hỏi thầy, cô. Có cái bánh giầy cũng đem cho, còn không quên gói thêm cho ít mật ong để chấm cùng; khi là bó rau cải nhổ vội còn nguyên gốc… Ngày tết ở bản tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng bà con và học sinh đều rất tình cảm, gần gũi nên cũng vơi bớt nỗi buồn.

Cũng như cô Hồng, cô Hà Thị Thảo, quê ở huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) lên công tác tại Trường Mầm non Pa Tần từ năm 2012. Gần 10 năm công tác, cô luôn nhận nhiệm vụ “cắm” tại các bản xa. Cô Thảo tâm sự: Ban đầu khi mới về trường em buồn và tủi thân lắm. Xa nhà, đường sá lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến giáo viên trẻ như em thấy áp lực vô cùng. Nhưng thấy các thầy, cô khác làm được thì mình cũng gắng làm theo. Ai cũng muốn ăn tết ở quê hương, nhưng do cuộc sống, công việc và điều kiện hoàn cảnh gia đình nên 2 vợ chồng phải chấp nhận cuộc sống xa quê. Năm đầu là do con nhỏ (12 tháng tuổi), trong khi đi đường lại xa rất vất vả. Tết thường chỉ được nghỉ từ 7 - 9 ngày, nếu về quê thì không kịp thời gian lên để vận động học sinh ra lớp đúng lịch, do đồng bào dân tộc có thói quen ăn tết dài ngày và tổ chức lễ hội vào đầu năm. Chấp nhận cuộc sống, ăn tết xa quê mãi giờ thì quen rồi! Ðây giờ đã là quê hương thứ hai của chúng tôi rồi; ăn tết ở vùng cao cũng có niềm vui riêng.

Huyện biên giới Nậm Pồ hiện có hơn 1.500 cán bộ, giáo viên. Xuân này vẫn có hàng trăm thầy, cô giáo tạm gác nỗi nhớ nhà ở lại ăn tết với đồng bào. Ngoài các cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ ở lại trực, làm công tác vận động học sinh tới trường sau tết, vẫn có nhiều giáo viên bám bản vì nặng lòng với học sinh, với bà con dân bản. Những giáo viên ở lại hầu hết là các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Bà Hoàng Thị Bích, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Thông qua đội ngũ giáo viên “cắm bản”, nhận thức về sự học của phụ huynh và học sinh trên địa bàn huyện những năm qua đã được nâng lên. Tuy nhiên, do tập tục, thói quen sau mỗi dịp nghỉ tết, học sinh vẫn thường mải vui nghỉ học ở nhà. Những lúc như thế nếu không có thầy, cô giáo làm công tác vận động thì tỷ lệ chuyên cần của học sinh rất thấp; thậm chí một số học sinh lớp 8, 9 còn nghỉ học luôn. Giáo viên “cắm bản” đều là những thầy, cô rất tâm huyết với nghề, bám trường, bám lớp và hi sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp “gieo chữ” nơi vùng cao.

Khắp rẻo cao, nơi cuối trời cực Tây Tổ quốc, những nụ đào rừng đang bung nở. Ðất trời đang vào xuân. Cùng với nhân dân các dân tộc, những giáo viên “cắm bản” đã tạo nên mùa xuân ấm áp vui tươi nơi cuối trời Tây Bắc - “Mùa xuân của những người ở lại”.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top