Chủ động chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới

10:25 - Chủ Nhật, 21/03/2021 Lượt xem: 7332 In bài viết

ĐBP - Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Ðến thời điểm hiện tại, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Nậm Pồ đang gấp rút triển khai kế hoạch lựa chọn SGK, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giờ học môn Tiếng Việt của cô và trò lớp 1A Trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK mới chính thức được triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020 - 2021. Qua thực tế triển khai, thời gian đầu đã có những khó khăn bất cập nhất định cho cả giáo viên, học sinh. Khắc phục hạn chế, bất cập, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ đã hướng dẫn chỉ đạo các trường tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn đưa ra những khó khăn tồn tại, hạn chế vướng mắc, cùng nhau nghiên cứu đề xuất, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp với học sinh của lớp và thực tiễn địa phương. Giao quyền chủ động cho nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp và đến nay hầu hết học sinh đã theo kịp chương trình. Kết quả đánh giá học kỳ 1 của lớp 1, năm học 2020 - 2021 cho thấy, chất lượng học tập của học sinh đảm bảo.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình SGK lớp 1 mới, năm học 2020 - 2021; Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trong toàn huyện rà soát, cập nhật danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình đổi mới, thiết bị dạy tin học, ngoại ngữ và phòng học bộ môn theo quy định. Tham mưu UBND huyện mua sắm trang thiết bị theo lộ trình đổi mới chương trình SGK. Hiện nay về cơ sở vật chất trường, lớp học và thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng được cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021 - 2022. Các trường đã và đang tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để giáo viên tiếp cận trước những phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Cử giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn tại Bộ, Sở Giáo dục và Ðào tạo, sau đó tập huấn lại cho giáo viên dạy lớp 2, lớp 6. Ðến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đã được tập huấn đầy đủ các module 1, 2; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 được tham gia đầy đủ các buổi hội thảo tập huấn giới thiệu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa là một trong những đơn vị chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Rút kinh nghiệm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 1 năm nay, nhà trường đã lựa chọn, giới thiệu giáo viên cốt cán có trình độ, năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin tốt trong dạy học để tham gia tập huấn và sẵn sàng tiếp nhận chương trình thay sách. Ðẩy mạnh tuyên truyền tới chính quyền địa phương, nhân dân và phụ huynh học sinh trên địa bàn xã về việc thay SGK lớp 2 trong năm học 2021 - 2022. Chú trọng công tác tập huấn, đến nay 100% giáo viên đã được tập huấn đầy đủ các module 1, 2; các buổi tập huấn, hội thảo về thay sách; sẵn sàng tiếp nhận chương trình thay SGK lớp 2 năm học 2021 - 2022.

Cô Phạm Thị Hồng Nhung cũng cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín, tổ chuyên môn nhà trường đã đề xuất lựa chọn các đầu sách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam), gồm: Toán học, Tiếng Việt, Ðạo đức, Tự nhiên xã hội, Mĩ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất. Môn Tiếng Anh của Nhà Xuất bản Ðại học Sư phạm Hà Nội. Phân tích ưu điểm, hạn chế của từng môn trong bộ sách đã chọn có thể thấy, môn Tiếng Việt trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) có ưu điểm: SGK định hướng phát triển năng lực, hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh; trình bày hấp dẫn, cấu trúc rõ ràng, dễ sử dụng, gây hứng thú với học sinh… Hạn chế là nội dung chưa phân biệt rõ ràng từng phân môn, một số yêu cầu còn vượt mức so với trình độ nhận thức của học sinh lớp 2…

Trao đổi về công tác lựa chọn SGK mới lớp 2, lớp 6, bà Hoàng Thị Bích, Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Ðến nay, 29/29 trường trên địa bàn huyện đã tổ chức nghiên cứu, lựa chọn 1/3 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Cấp tiểu học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gồm các môn học: Toán học, Tiếng Việt, Ðạo đức, Tự nhiên xã hội, Mĩ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất. Môn Tiếng Anh của Nhà Xuất bản Ðại học Sư phạm Hà Nội. Cấp THCS bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gồm các môn: Toán học, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Ðịa lý, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Môn Tiếng Anh của Nhà xuất bản Ðại học Sư phạm Hà Nội. SGK được chọn có ưu điểm: Nội dung kiến thức đảm bảo (theo Quyết định số 32/QÐ-UBND ngày 14/12/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Ðiện Biên); nội dung phân chia theo các chủ đề, cấu trúc rõ ràng, hệ thống âm, chữ, phần luyện tập phát huy được tính tự chủ của học sinh. Nội dung và hình ảnh minh họa cho các hoạt động trong từng bài học rõ ràng, gần gũi, có nhiều hoạt động thực hành, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện kĩ năng và vận dụng kiến thức phù hợp với lứa tuổi. Hiện danh mục SGK được lựa chọn Phòng đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top