Hướng nghiệp để học sinh cuối cấp lựa chọn đúng

09:41 - Thứ Hai, 29/03/2021 Lượt xem: 5034 In bài viết

ĐBP - Giáo dục hướng nghiệp là công tác được các trường THPT đặc biệt quan tâm, nhất là đối với học sinh khối 12, đang băn khoăn trước nhiều lựa chọn quyết định tương lai. Thời điểm này, học sinh cuối cấp THPT đang chuẩn bị cho việc đăng ký dự thi tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển đại học. Sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường có vai trò quan trọng để các em có thể đưa ra quyết định thích hợp, đúng đắn.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Ðiện Biên trò chuyện với học sinh lớp 12 để tìm hiểu, tư vấn chọn ngành, chọn trường dự thi cho các em.

Hàng năm, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Ðiện Biên có 70 - 80% học sinh cuối cấp vào đại học. Các trường chuyên nghiệp vẫn là nguyện vọng và lựa chọn chính của các em. Thầy Trần Ðăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi học sinh vào lớp 10, giáo viên chủ nhiệm và bộ môn đã quan tâm đánh giá sở trường, lực học của các em. Là trường nội trú, học sinh và thầy cô gần gũi như người thân trong gia đình nên càng dễ dàng chia sẻ, tìm hiểu mặt mạnh, yếu của từng em. Từ đó, cùng với thực tế nhu cầu lao động của xã hội, đón đầu những ngành cần nhiều nhân lực, giáo viên trao đổi, tư vấn để các em lựa chọn ngành, trường chuyên nghiệp mà mình phù hợp”. Vì vậy đến thời điểm hiện tại hầu hết học sinh khối 12 của nhà trường (hơn 100 em) đã xác định được cho mình khối, ngành học, cơ sở đào tạo dự thi. Em Quàng Văn Vĩnh, lớp 12C, có năng khiếu ca hát, là cây văn nghệ của nhà trường, được thầy cô định hướng và bản thân cũng mong muốn học chuyên ngành sư phạm âm nhạc. Vĩnh chia sẻ: “Ngoài giờ học trên lớp, em lên mạng internet tự tìm học về âm nhạc và luyện thanh, dành nhiều thời gian tại phòng để tập luyện. Em cũng được thầy cô giới thiệu để nhờ thầy Bí thư Ðoàn trường có chuyên môn về âm nhạc và có nhạc cụ hướng dẫn, giúp đỡ”. Cùng lớp với Vĩnh, em Và A Hải cũng đã quyết định thi khối D1, chọn ngành quản trị kinh doanh của Học viện Tài chính. Nguyện vọng ban đầu của Hải là vào ngành An ninh nhưng không đáp ứng điều kiện dự thi nên em đã thay đổi lựa chọn. Thời gian này, em tập trung ôn 3 môn thi, đặc biệt là Tiếng Anh.

Thầy Trần Ðăng Khoa chia sẻ thêm: “Ðối với học sinh có lực học bình thường, không có nguyện vọng và điều kiện học chuyên nghiệp thì nhà trường vận động các em học nghề, không bỏ học về nhà, để sau trở thành lao động có tay nghề, có mức lương cao hơn. Chúng tôi nói với các em không có nghề sang, hèn; nghề nào cũng được, miễn là chân chính và các em làm tốt công việc của mình thì đều sẽ có cuộc sống tốt hơn, đóng góp cho xã hội”. Ðể định hướng được cho học sinh, nhà trường và giáo viên không chỉ quan tâm, chia sẻ với các em mà còn hướng dẫn các em tự tìm hiểu, tra cứu internet, kết nối, phối hợp với các đơn vị bên ngoài đến tư vấn, giới thiệu một số ngành nghề, cơ sở đào tạo, cơ hội việc làm…

Còn tại Trường THPT Phan Ðình Giót (TP. Ðiện Biên Phủ), những năm gần đây, học sinh có xu hướng chọn học nghề ngày càng tăng. Nhiều em đã sớm quyết định không nộp nguyện vọng đại học mà sau khi tốt nghiệp sẽ học một nghề phù hợp. Em Ðoàn Xuân Tiến, lớp 12C7 chia sẻ: “Em không có ý định nộp nguyện vọng các trường chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ đi học nghề điện, dự định xuống Hà Nội học rồi sớm tìm việc làm”. Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Phan Ðình Giót có khoảng 30% học sinh học nghề sau khi ra trường. Thầy Phí Văn Sốp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường có 255 học sinh khối 12. Công tác hướng nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức, như thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, hàng năm phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài địa bàn đến giới thiệu, tư vấn… Nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn là người đóng vai trò chủ đạo, là người hiểu sở trường, năng lực, hoàn cảnh gia đình của các em để định hướng nghề nghiệp, cho các em lời khuyên đúng đắn. Vì vậy chúng tôi quán triệt các giáo viên chủ nhiệm cũng như giáo viên toàn trường tìm hiểu nhu cầu xã hội, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của các em để giúp tư vấn, hướng dẫn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện, mong muốn của bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thời điểm này, các trường đang tổ chức thi thử cho học sinh làm quen với kỳ thi quan trọng sắp tới, qua đó cũng đánh giá năng lực để các em có thêm cơ sở lựa chọn được ngành, trường phù hợp. Ðứng trước “ngã rẽ” quyết định tương lai, các em học sinh cuối cấp THPT càng cần nhiều hơn sự quan tâm, tư vấn của nhà trường và gia đình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top