Hiệu quả công tác khuyến học ở Tủa Chùa

10:47 - Chủ Nhật, 04/04/2021 Lượt xem: 5582 In bài viết

ĐBP - Với cách làm phù hợp thực tế địa phương, những năm qua công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Thực hiện tốt công tác khuyến học, tỉ lệ học sinh ra lớp trên địa bàn xã Sín Chải luôn duy trì ở mức cao. Trong ảnh: Một giờ học của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chải.

Sinh sống ở xã Trung Thu, một trong những xã khó khăn của huyện Tủa Chùa, đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, mọi chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học đều dựa vào cây ngô, cây lúa… song gia đình ông Thào A Tinh luôn cố gắng tạo điều kiện cho các con đến trường học tập. Thậm chí, ông Tinh còn vay tiền ngân hàng để trang trải chi phí cho con đi học. Ông Tinh chia sẻ: Trước kia con em họ Thào không mặn mà với việc học do không hiểu rõ tầm quan trọng của cái chữ. Nhưng không có cái chữ thì không thoát được cái nghèo, nên dù khó khăn thế nào, tôi cũng quyết tâm cho con cái đi học đầy đủ.

Không phụ công sức của cha mẹ, hiện nay 2 người con của ông Tinh đã tốt nghiệp đại học, 3 con tốt nghiệp trung cấp và đều có việc làm ổn định. Hai người con của ông Thào A Tinh đang công tác tại UBND xã Trung Thu là anh Thào A Vừ làm cán bộ khuyến nông xã và anh Thào A Dinh làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Với những kiến thức, kinh nghiệm được đào tạo, rèn luyện, anh Vừ, anh Dinh đã và đang góp sức xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết như: chanh leo, dâu tây… phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và bước đầu đã đem lại hiệu quả với thu nhập ổn định.

Giống như gia đình ông Tinh, gia đình ông Thào A Páo, thôn Tà Chinh, xã Tả Sìn Thàng có 5 người con thì 2 người đang học đại học, 3 người đang theo học THPT và THCS; gia đình ông Mùa A Chinh, xã Sín Chải có 3 người con đều tốt nghiệp đại học, trung cấp, có việc làm và thu nhập ổn định.

Gia đình ông Tinh, ông Páo, ông Chinh là 3 trong số gần 12.000 gia đình xuất sắc, đạt danh hiệu gia đình học tập trên địa bàn huyện Tủa Chùa, là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Bên cạnh việc xây dựng gia đình học tập, hội khuyến học các cấp huyện Tủa Chùa cũng chú trọng xây dựng dòng họ học tập, đến nay đã có nhiều dòng họ tiêu biểu về học tập như: Dòng họ Mùa (xã Sín Chải); dòng họ Vừ (xã Trung Thu); dòng họ Lò (thị trấn Tủa Chùa)... Những dòng họ này đã thành lập ban khuyến học, có quy ước riêng về nội dung khuyến học, thường xuyên quan tâm, động viên con cháu trong dòng họ đến trường, khen thưởng kịp thời trường hợp đạt thành tích học tập hoặc thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp. Ðể tạo nguồn lực cho con cháu đi học, hỗ trợ các gia đình nghèo cho con em được đi học, các gia đình trong dòng họ vận động, giúp nhau nuôi trâu, bò, trồng trọt tạo thu nhập.

Sín Chải là xã điển hình trong phong trào khuyến học, khuyến tài nhiều năm qua của huyện Tủa Chùa. Hiện nay, 100% thôn, bản, trường học trên địa bàn xã có chi hội khuyến học, gồm 15 chi hội (12 chi hội thôn, bản và 3 chi hội trường học). Các cấp hội khuyến học từ xã đến thôn, bản thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền về xã hội học tập, mô hình học tập suốt đời.

Ông Vừ A Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chải, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: Năm 2020, toàn xã có 7 gia đình và 3 dòng họ Mùa, Thào, Giàng được công nhận là gia đình và dòng họ hiếu học. Qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ, động viên kịp thời về những thành tích mà con em trên địa bàn đạt được trong quá trình học tập và rèn luyện của các cấp Hội đã giúp các cháu hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập; nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó công tác vận động học sinh trong độ tuổi ra lớp đảm bảo chỉ tiêu, tỷ lệ chuyên cần của các trường trong xã luôn ở mức cao.

Bà Tống Thị Na, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tủa Chùa cho biết: Việc đăng ký, xây dựng các mô hình học tập đã có tác dụng thiết thực, hiệu quả. Trẻ em tích cực học tập, rèn luyện; người lớn có ý thức hơn trong việc tự học, tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh và tham gia các lớp tập huấn tại các trung tâm học tập cộng đồng. Không chỉ xây dựng tốt xã hội học tập mà bà con biết phát huy các nghề truyền thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến mở mang ngành nghề mới đã tạo nên sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top